Những kiểu quảng bá game gây khó chịu

Mong muốn tạo điểm nhấn giữa hàng chục game ra mỗi tháng đã khiến các NPH áp dụng đủ mọi chiêu trò, gây phản tác dụng khiến người chơi cảm thấy khó chịu.

Game thực sự đang được quảng bá tới từng giây phút của cuộc sống. Không ít game thủ đã phàn nàn về những kiểu quảng bá quá lố này.

Tấn công trên mọi phương tiện và thời gian

7 giờ sáng, một giọng nói ngọt ngào ấm áp vang lên, chấm dứt giấc ngủ một cách khiếm nhã bằng câu: "Chào bạn, chúng tôi gọi từ công ty X. Hiện nay, chúng tôi đã cho download game Y…" . Ăn sáng, một tin nhắn nhấp nháy: "ABC 3D – con này ngon không? Hôm nay cho down rồi cậu down chưa?" kèm theo đó là link trang chủ game. Tới công ty, mở mail làm việc bắt gặp: "Kính chào quý bằng hữu giang hồ…". Nghỉ trưa, vào Youtube "chình ình" dòng quảng cáo: "E…game hay vãi…ồn". Chiều vào diễn đàn truyện tranh, banner nhan nhản: "Tuyệt phẩm kiếm hiệp. Rất chất, rất mất thời gian". Đang chuẩn bị tắm, Viber có tin báo: "Đại ca ơi, hôm nay có tin HOT nè. Z vừa cập nhật phiên bản mới mang tên…". Trước khi đi ngủ tranh thủ lướt Facebook cập nhật tin tức bạn bè lại "đập" vào mắt một em gái bikini với slogan: "Tải game ngay, chơi liền tay. Mọi lúc mọi nơi trên dế yêu" và bạn bè mời like Fanpage game. Vậy là một ngày được cập nhật tin tức miễn phí dù có là game thủ hay không.

Tuy nhiên, hẳn đến 90% người từng rơi vào trường hợp này đều cảm thấy khó chịu. Huy Thái – một nam game thủ đã ngơ ngác khi gọi điện thoại lại thuê bao đã nhắn tin hỏi về game vì tưởng là bạn của mình và tức giận khi biết đó chỉ là sim rác được sử dụng để marketing game qua điện thoại.

PR ngược

Quảng bá đơn thuần là tự tán tụng, "bơm" game nhà lên tận mây xanh nhưng PR ngược lại tự vùi dập bản thân, đổ tội lỗi lên đơn vị khác hoặc tự tạo scandal rồi nhanh chóng dẹp yên một cách "thấu tình đạt lý". Đây là một trong những chiêu trò đơn giản, gây hiệu quả lan truyền tốt mà không tốn kém.

Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.

Một kiểu tự sướng rất khôn khéo của Thánh Tướng Tam Quốc

Trường hợp này gợi nhớ tới gMO Thánh Tướng khi mới ra mắt. Ban đầu, NPH đặt tên Thánh Tưng ăn theo bà Tưng để tạo hiệu ứng. Sau khi đã thu hút một lượt quan tâm nhất định, đội ngũ phát hành tiếp tục tự dựng clip Hitler để đả kích việc dùng bà Tưng và khoe ngầm cái hay của game. Nếu người xem để ý có thể thấy không dưới 2 lần cả Hitler và cộng sự đều tỏ ý "khen khéo" game: "đã test thử bản Tàu thấy khá nuột", "game người ta đang hay như thế", "game hay sao không tập trung trailer" thì liền ngay là "họ cũng làm trailer nhưng tung ra sau", "mấy tháng toàn cày game java vớ vẩn, điện thoại thì galaxy cùi", "tìm thấy game vừa nhẹ vừa đẹp", "chỉ chấm được mỗi con game đó"...

Sốc – "Sếch" – Sến

3 chữ S: Sốc – Sex – Sến từ lâu vốn là chiêu bài quen thuộc của các NPH game. Nếu như trước đây, các NPH chuộng mốt sử dụng tên tắt liên tưởng thô tục, cosplay/ body painting mát mẻ hay tung tin mời diễn viên cấp 3 làm đại sứ thì nay, trong thời đại truyền thông, hoạt động quảng bá này đã được nâng lên một vài cấp độ mới với clip chế, phim ngắn.

Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.

Clip quảng bá siêu nhạt của Kiếm Hiệp

Không cần biết nội dung kịch bản ra sao, mang lại giá trị gì cho người xem mà chỉ cố gắng nhắm vào những đề tài bị nhai đi nhai lại như dầu ăn, sex rồi mời các hot girl có scandal mới nổi làm diễn viên. Bên cạnh đó, những vấn đề như tự kỷ, giới tính thứ 3 cũng bị khai thác một cách gượng ép, phản cảm. Truyền cảm và hiệu quả thì chưa biết đến đâu, nhưng có không ít game thủ đã cảm thấy phản cảm, thậm chí là gai người khi xem những đoạn clip đó. Những thứ mà các NPH nhận lại là vô vàn gạch đá và sự quay lưng của cộng đồng game thủ.

"Ôm bom"

Game chiến thuật hay nhất, Đỉnh cao game kiếm hiệp, Game mở hàng trăm máy chủ ở Trung Quốc, Siêu phẩm, Game đáng chơi nhất, Game mua với giá 5 tỷ đồng… là những danh hiệu các NPH đang tự huyễn hoặc cho game chất lượng thấp mà mình mang về.

Chắc hẳn chẳng có NPH nào dám mạnh dạn khai thật rằng webgame B mang về vì được tặng kèm khi mua game khác hay game C không được ký kết chính thức mà chỉ đứng tên phát hành hộ đối tác nước ngoài… Mặt khác, việc giả mạo hay mượn danh những game "đỉnh" để trá hình cho một game hoàn toàn khác hay thậm chí chỉ là một bản cập nhật của game cũ vẫn đang tiếp tục được dùng đi dùng lại tại làng game Việt. Những ngôi vị tự phong này hầu hết đều bị bóc mẽ ngay khi mở cửa cho game thủ trải nghiệm và lúc này, các "bom tấn" cũng không cần phá mà tự xịt.

Hương Mabư


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận