Lịch sử Chiến tranh Lạnh và game (kỳ cuối)

Đến đầu thế kỷ XXI, Chiến tranh Lạnh vẫn là đề tài hấp dẫn để các nhà phát triển game khai thác.

Đại khủng hoảng ngành game và kết thúc Chiến tranh Lạnh

Đại khủng hoảng ngành game ở Bắc Mỹ năm 1983 gần như giết chết toàn bộ ngành công nghiệp này. Từ năm 1982 đến năm 1985, doanh thu toàn ngành sụt giảm từ 32 tỉ đô la xuống còn 100 triệu đô la. Atari, gã khổng lồ của ngành game, bị chịu sự thiệt hại nặng nề nhất, không phải chỉ tiền mặt mà còn cả danh tiếng nữa. Sau khi để mất hàng trăm triệu đô la, Atari đã bị bán đi và không bao giờ khôi phục lại được thành công mà nó đã từng làm được trước đó. Đế chế do Nolan Bushnell khổ công gây dựng hơn 10 năm đã sụp đổ chỉ trong vòng chưa đến 1 năm. Console và game vẫn còn tồn tại được là nhờ vào thành công ngày càng lan rộng của Nintendo, trước vốn là một công ty sản xuất đồ chơi ở Nhật và Nintendo Entertainment System.

Từ thời điểm của cuộc đại khủng hoảng cho đến giữa những năm 1990, đề tài Chiến tranh Lạnh xuất hiện ngày càng ít trong game. Năm 1987 (thậm chí một vài người còn tin rằng sớm hơn), rõ ràng chủ đề về "Cuộc chiến không tiếng súng" này cuối cùng cũng đi vào thoái trào. Một thời gian dài, người ta không còn thấy chiến tranh hạt nhân, Chiến tranh Lạnh, Liên Xô hay bất cứ thứ gì có liên quan xuất hiện trong game nữa. Năm 1991, sau khi khối Warszawa tan rã, có vẻ như từ đây trong kí ức của công chúng nói chung và của game thủ nói riêng sẽ không còn dấu vết gì của Gấu Nga nữa. Dù vậy, đề tài Chiến tranh Lạnh vẫn chưa biến mất hoàn toàn, vẫn còn một vài game sót lại như Harpoon (1989), Crisis in the Kremlin (1991), và F-117a Stealth Fighter (1992). Tuy nhiên, game với đề tài này ở đầu những năm 90 không thành công và phải đến tận giữa những năm 90 chúng ta mới thấy được điều này.

Red Alert và sự hồi sinh của đề tài Chiến tranh Lạnh

Năm 1995, Westwood studio phát hành sản phẩm đầu tay của mình, một trong những game chiến thuật thời gian thực nổi tiếng nhất mọi thời đai. Đó là Command and Conquer. Với thành công vang dội mà game mang lại, Command and Conquer đáng nhẽ đã có thêm một tiền bản (prequel) nhưng cuối cùng, vào năm 1996, Westwood quyết định cho ra mắt một series game hoàn toàn mới: Command and Conquer: Red Alert.

Cốt truyện của game diễn ra trong một khoảng thời gian không xác định trong những năm 1950 của một vũ trụ song song, được vô tình tạo ra bởi Albert Einstein trong nỗ lực ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ hai. Bắt đầu vào năm 1946, tại bãi thử Trinity của New Mexico, đoạn mở đầu của Red Alert cho thấy Albert Einstein dường như đang chuẩn bị đi du hành vượt không gian và thời gian. Sau khi thiết bị thử nghiệm của ông, Chronosphere, được kích hoạt, ông đã thấy mình ở Landsberg, Đức, vào năm 1924, nơi ông gặp Adolf Hitler ngay sau khi Hitler vừa được thả tự do khỏi nhà tù Landsberg. Trước đó hắn bị bắt vì gây ra vụ Đảo chính Nhà hàng Bia. Sau một cuộc trò chuyện ngắn giữa hai bên, Einstein bắt tay của Hitler và bằng cách nào đó Einstein loại bỏ sự tồn tại Hitler và Einstein quay trở về năm 1946. Tuy nhiên, không còn Đại chiến thế giới thứ hai, đối đầu Đông – Tây trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Thay vì sử dụng một lãnh đạo Xô Viết giả tưởng, Joseph Stalin lại xuất hiện trong game và trong cả hai kết thúc của phe Đồng Minh lẫn Xô Viết đều bị giết chết. Trong Red Alert không có phe tốt và phe xấu, nhưng Stalin luôn bị cho là "kẻ xấu". Các nhà phát triển đã cho thấy rằng việc đề cập đến Chiến tranh Lạnh không còn xa xôi bóng gió như trước đây nữa và họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Nửa thập kỷ biến mất có lẽ là quá đủ. Việc Red Alert sử dụng đề tài Chiến tranh Lạnh cho thấy mọi thứ thay đổi so với 10 năm trước đó như thế nào.

Thế kỷ 21

4 năm sau, năm 2000, Westwood studio tiếp tục cho ra mắt phần thứ hai của series: Command and Conquer: Red Alert 2. Game cũng cho người chơi thấy rằng đến năm 2000, công chúng nhìn nhận chủ đề Chiến tranh Lạnh theo hướng bớt căng thẳng hơn nhiều so với trước đây. Rõ ràng, Chiến tranh Lạnh là một sự kiện lịch sử rất quan trọng có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con người. Tuy nhiên, hầu hết mọi mối lo đều biến mất sau gần một thập kỷ không được xuất hiện.

Trong Red Alert 2, cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô dẫn đến kết cục tất yếu là phát triển về mặt khoa học kỹ thuật, nhiều loại vũ khí mới lạ xuất hiện. Chẳng hạn, phe Liên Xô có thể triển khai các đơn vị Yuri, sử dụng khả năng kiểm soát tâm trí để khiến quân địch chống lại chính họ. Trong khi đó, phe Đồng Minh lại có xe tăng Mirage có khả năng ngụy trang thành một cái cây để tránh bị phát hiện. Đây chỉ là một vài ví dụ về các loại vũ khí kỳ quặc có trong game. Cốt truyện của trò chơi cũng xuất hiện một vài yếu tố hài hước chứ không đến nỗi căng thẳng như nhiều game trước đó.

Như vậy là đến năm 2000, Chiến tranh Lạnh đối với giới trẻ đã trở thành một thứ gì đó khá xa vời, không còn như với thế hệ đi trước, những người đã từng trực tiếp chứng kiến, sống chung với cuộc chiến. Cái nhìn hài hước về Chiến tranh Lạnh cho thấy sự thay đổi nhận thức của công chúng sau nhiều năm sống trong sợ hãi.

Từ năm 2004 trở về sau, Chiến tranh Lạnh xuất hiện trong game xuất hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong Metal Gear Solid 3: Snake Eater (Konami 2004), Chiến tranh Lạnh là bối cảnh chính của game. Cốt truyện xoay quanh các sự kiện sau vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba và người chơi phải thực hiện các nhiệm vụ bí mật ở hậu phương của quân địch. Singularity (Raven Software 2010) lại lấy bối cảnh ở một hòn đảo ngoài khơi nước Nga, vốn là cơ sở nghiên cứ bí mật nhưng cuối cùng bị bỏ hoang vào những năm 50. Call of Duty: Black Ops (Treyarch 2010) lại diễn ra trong một khoảng thời gian khá rộng, từ sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961 cho đến tận đầu năm 1968. Tính từ lúc Bức Màn Sắt sụp đổ, thời gian trôi qua đã quá lâu nên không còn nỗi sợ về Chiến tranh Lạnh nữa. Cũng tương tự như vậy, có thể 15 – 20 năm sau chúng ta sẽ lại thấy chiến tranh Iraq xuất hiện ở trong game.

Kết luận

Sự thay đổi nhận thức của dư luận là lí do game thay đổi cách sử dụng đề tài Chiến tranh Lạnh. Từ thời kỳ chạy đua vào không gian, với Spacewar! và Space Invaders cho đến khi Liên Xô tan rã, với các game như Red Alert, đề tài này ngày càng được khai thác sâu hơn. Chiến tranh Lạnh đã để lại một dấu ấn khó phai. Trong vài năm trở lại đây, khi đề tài Đại chiến thế giới thứ hai biến mất dần, chiến tranh hiện đại và Chiến tranh Lạnh xuất hiện ngày càng nhiều. Không thể phủ nhận rằng, game là một phần của văn hóa đại chúng. Do đó, đây cũng là một nguồn để chúng ta có thể sử dụng cho mục đích tìm hiểu về thời kỳ chúng được phát hành.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận