Oculus Rift về tay Facebook - khôn ngoan hay sai lầm?

Với việc bán lại Oculus VR cho Mark Zuckerberg, liệu tương lai của thực tế ảo cho game có chết yểu từ đây?

Thông tin về việc công ty Oculus VR (đơn vị đang phát triển sản phẩm kính thực tế ảo Oculus Rift) quyết định bán lại sản phẩm của mình cho Facebook với giá 2 tỉ đô la hôm 26/3 vừa qua đã khiến cộng đồng game thủ cũng như ngành công nghiệp game dậy sóng. Trước thông tin mua bán bất ngờ này, một số người chơi, chuyên gia trong ngành công nghiệp game tỏ ra vui mừng nhưng nhiều kẻ bị sốc và gần như tất cả đều rất đỗi ngạc nhiên. Ẩn sau cuộc mua bán này là những vấn đề khiến nhiều người phải băn khoăn, đặc biệt là những ai quan tâm đến tương lai của ngành game.

Trước hết, người ta mừng vì Oculus đã có được một khoản tiền rất lớn để hoàn thành sản phẩm của họ. Với 2 tỉ đô la từ Mark Zuckerberg, mọi người có quyền hi vọng công nghệ thực tế ảo sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể. Được ra đời từ tháng 6/2012 dưới dạng một dự án gây quỹ từ Kickstarter, trong suốt 2 năm qua, nhóm phát triển Oculus đã thu hút rất nhiều tài năng trong lĩnh vực phát triển game và thực tế ảo, bởi vậy, không nghi ngờ gì nếu Oculus Rift sẽ tạo ra cú hích làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp game. Tuy nhiên đó cũng chính là vấn đề khiến mọi người phải băn khoăn, hãy cùng xem nguồn tiền lớn mà họ nhận được có nguồn gốc từ đâu: từ một công ty khổng lồ không chuyên về game. Facebook là một trong những mạng xã hội ảo lớn nhất hiện nay và Facebook kết nối mọi người lại với nhau thông qua hình thức của một phương tiện truyền thông chứ không phải là game.

Không cần phải nhắc đến, chắc hẳn ai cũng hiểu rằng Facebook đang bỏ lỡ mất đối tượng khách hàng quan trọng nhất của ngành công nghiệp game (độ tuổi từ 15 đến 30) vào tay những tập đoàn có kinh nghiệm lâu năm, điều đó có nghĩa là Oculus Rift được mua lại bởi một công ty có đối tượng khách hàng chính không phải là game thủ. Zuckerberg cho biết mục tiêu trước mắt của Facebook là sẽ tập trung giúp Oculus xây dựng sản phẩm và tạo quan hệ với nhiều đối tác để hỗ trợ thêm nhiều game trên sản phẩm kính thực tế ảo của Oculus. Quan trọng hơn, Zuckerberg đã chỉ rõ việc mua lại Oculus sẽ giúp Facebook đặt chân sang những lĩnh vực mới. Chính bản thân Palmer Luckey, đồng sáng lập của Oculus VR cũng ý thức được điều này. Bởi vậy, trong bài viết của mình, bên cạnh việc đưa ra những lý lẽ ủng hộ game như "thực tế ảo chắc chắn sẽ được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp game", anh cũng không quên nhấn mạnh rằng: "Mặc dù vậy, trong một thời gian dài, sẽ có rất nhiều ngành công nghiệp khác sử dụng công nghệ thực tế ảo theo cách của họ. Do đó Oculus Rift sẽ không phải là thứ độc quyền dành cho game thủ".

Tuy không muốn thừa nhận nhưng mọi người đều hiểu một điều: ngành công nghiệp game quá chật hẹp đối với một công ty như Oculus VR và một sản phẩm tiềm năng như Oculus Rift. Nếu chỉ bó hẹp ở lĩnh vực game, một công ty thực tế ảo sẽ chẳng thể làm được gì nhiều ngoài việc phát triển game, sản xuất thiết bị và các phần mềm hỗ trợ. Với sự hỗ trợ tài chính từ Facebook và một hệ thống đối tượng khách hàng khác với dự định ban đầu, cơ hội và khả năng cho Oculus sẽ được mở rộng hơn rất nhiều. Giờ đây, đó không chỉ là game mà là tất cả lĩnh vực trong đời sống hàng ngày người ta quan tâm đến. Muốn có một chương trình thực tế ảo cho doanh nghiệp ư? Muốn đi sâu vào lĩnh vực giáo dục với những lớp học thực tế ảo ư? Thế còn một mạng xã hội thực tế ảo tăng tính tương tác giữa người với người vượt trội hẳn so với trước đây thì sao? Với sự góp mặt của Oculus VR, giờ đây tất cả đều có khả năng trở thành hiện thực. Không có lý do gì để kìm hãm Oculus VR ở một lĩnh vực khi mà game thủ chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong cộng đồng.

Tuy nhiên, Oculus Rift là cú hích mà ngành game cần có. Nhiều chuyên gia tin rằng thực tế ảo sẽ tạo ra được cuộc cách mạng lớn trong ngành, nhưng điều đó không thể xảy ra nếu không có một sản phẩm chuyên dụng, đáng tin cậy cho nó. Những công ty có trách nhiệm nhất là những người biết tập trung vào tiền bạc cũng như khách hàng, và đặt cả hai ở vị trí bình đẳng như nhau. Chúng ta đều muốn công nghệ thực tế ảo nằm trong tay những người muốn đem lại điều tốt nhất cho ngành công nghiệp game, nhưng với Oculus VR, điều đó giờ không còn nữa.

Luckey đã nhắc đến rất nhiều điều tốt đẹp: "Facebook hiểu tượng tiềm năng phát triển của VR. Mark đã có chung tầm nhìn với nhóm phát triển của chúng tôi khi tin rằng tương lai thực tế ảo sẽ giúp chúng ta thay đổi cách thức học tập, chia sẻ, vui chơi và giao tiếp. Facebook là công ty luôn đặt quyền lợi của người dùng lên hàng đầu và chúng tôi không thể từ chối lời đề nghị này". Tuy nhiên, chưa một ai có thể mường tượng cũng như thật sự chắc chắn về tương lai của sản phẩm kính chơi game thực tế ảo này và con số 2 tỷ đô la bị coi là một món tiền cược dường như hơi quá trớn. Đó là lí do vì sao Markus "Notch" Persson, giám đốc của hãng phát triển Minecraft - Mojang - đã ngay lập tức chia sẻ trên Twitter rằng ông đã hủy bỏ một kế hoạch thỏa thuận giữa Minecraft và Oculus VR trong việc đưa công nghệ này áp dụng trong trò chơi nổi tiếng của hãng.

"Tôi chắc chắn muốn là một phần của lĩnh vực công nghệ thực tế ảo, nhưng tôi sẽ không làm việc với Facebook" ông viết. "Động cơ của họ là quá rõ ràng và đã thay đổi so với ban đầu, nó (kính thực tế ảo) cũng chưa phải là một nền tảng ổn định. Có một điều gì đó khiến tôi không tin tường và lo sợ. Tôi sẽ không đặt cược theo ván bài này".

Tiềm năng của Oculus Rift là rất lớn, nhưng nếu đã định hướng từ đầu là phát triển vì game thì hãy đi theo con đường ấy chứ đừng lạc sang những hướng khác. Lí do đơn giản: Oculus VR không phải là những người tiên phong hay tiến bộ nhất trong lĩnh vực này. Mới đây, Sony cũng đã nhảy vào mảng thực tế ảo với dự án sản phẩm mang tên Morpheus. Do đó, sự cạnh tranh khốc liệt sẽ là điều Oculus VR khó có thể tránh khỏi được.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận