Những dịch bệnh kinh hoàng trong game

Hầu hết không chữa được dẫn đến lây lan thành đại dịch trong cộng đồng.

Đi kèm với những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp thường xuyên diễn ra như thiên tai, sóng thần... hay hiện tượng nóng lên toàn cầu, bệnh dịch cũng là một trong những kẻ thù vô cùng đáng sợ đối với con người trên trái đất. Những căn bệnh nguy hiểm chết người đang xuất hiện nhiều và ngày càng lan nhanh khắp thế giới và trong game cũng vậy.

Không thể phủ nhận nhiều game đã xây dựng cốt truyện tốt nhờ đưa các bệnh dịch vào. Đau đớn, sợ hãi, căng thẳng là những gì người chơi phải trải qua. Một số căn bệnh, qua nhiều năm, đã trở thành tượng đài của làng game. Vài căn bệnh khác ít nhiều cũng đã gắn liền với tên tuổi của trò chơi, khiến chỉ nhắc đến tên game thôi cũng sẽ liên tưởng đến cơn bệnh dịch ấy. Những cơn bệnh dịch còn lại, dù không nổi tiếng, cũng góp phần khiến bộ mặt của thế giới game ngày một đa dạng hơn.

Dưới đây là 10 trong số những cơn bệnh dịch nổi tiếng nhất của thế giới game.

1. Dịch do virus Hyper-evolutionary gây ra (series Starcraft)

Đối tượng: Các mô hữu cơ

Nguyên tắc: Virus Hyper-evolutionary từ loài Zerg tấn công vào mô sống của các loài khác, gây nhiễm bệnh để từ đó biến vật chủ mang bệnh trở thành Zerg. Sarah Kerrigan là một ví dụ điển hình của việc lây nhiễm và biến đổi thành công.

Cách chữa: không có, chỉ có phương pháp điều trị huyết thanh công nghệ nano là có thể làm chậm và đảo ngược quá trình.

2. Dịch do virus FOXDIE gây ra (series Metal Gear)

Đối tượng: Các DNA được chỉ định trước của vật chủ cụ thể.

Nguyên tắc: FOXDIE là một loại retrovirus (từ để chỉ các loại virus mà vật chất di truyền của chúng là RNA) lập trình được, được thiết kế để lây nhiễm và sát hại một cá nhân cụ thể. Virus FOXDIE được tiêm qua da, thông qua các hoạt động của vài loại enzyme cụ thể, gắn kết với các sợi DNA của vật chủ. FOXDIE sẽ sản sinh những khối u nhỏ trên tế bào máu, buộc tim ngừng đập khi các tế bào này đến được tim. Sau khi xâm nhập vào cơ thể Solid Snake một thời gian dài, FOXDIE biến thể và có khả năng tấn công bất cứ mục tiêu nào bất kể DNA của mục tiêu đó có được lập trình trước hay không, do đó Snake cũng giống như một quả bom nổ chậm có thể lây bệnh cho bất cứ ai tiếp xúc anh.

Cách chữa: Không có cách chữa hiệu quả, các thuốc giải như FOXALIVE chỉ có tác dụng khiến DNA của vật chủ không bị FOXDIE phát hiện.

3. Bệnh do virus Forced Evolutionary gây ra (series Fallout)

Đối tượng: Con người và các loài sinh vật khác.

Cơ chế: Virus Forced Evolutionary gây ra sự phát triển đột biến xương – cơ bắp, biến đổi da thành màu vàng, đi kèm với đó là sự hung hãn ngày càng lộ rõ của chủ thể nhiễm bệnh. Bụi phóng xạ còn sót lại sau chiến tranh hạt nhân thúc đẩy quá trình phát bệnh, gây ra những tổn hại không thể đánh giá được nhưng vẫn thúc đẩy sự phát triển của cơ thể.

Cách chữa: Không có

4. Dịch hạch (Mass Effect 2)

Đối tượng: Chủng tộc Turian.

Cơ chế: Dịch hạch tiêu diệt người Turian bằng cách xâm nhập cơ thể, hóa lỏng phổi, khiến cho việc thở không thể thực hiện. Ban đầu dịch hạch lan truyền qua đường không khí, người bệnh phải cách ly ngay lập tức khi có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Cách chữa: Cách ly và dùng thuốc giải của Mordin.

5. Cái chết xám (Deus Ex)

Đối tượng: Tất cả những người đã tiếp nhận công nghệ Nano-augumentation.

Cơ chế: Các nanite (robot nano) sẽ tự động liên kết với các tế bào hữu cơ. Cơ thể người không tiếp nhận nanite, do đó cũng tự loại bỏ các tế bào liên kết, gây cảm giác cực khó chịu và ốm yếu. Các Nano-augumentation phi liên ứng có thể buộc người nhiễm bệnh hoạt động ngoài tầm kiểm soát.

Cách chữa: Dùng văc-xin Ambrosia.

6. Bệnh Necromorph (series Dead Space)

Đối tượng: Xác chết.

Cơ chế: Dịch bệnh diễn ra nhanh chóng, khiến cơ thể người chết tự tái tạo lại, mọc thêm các chi cực sắc bén, có thể tiết ra chất độc. Vật chủ trở nên thù địch, tìm kiếm đối tượng để lây bệnh nhằm duy trì sự tồn tại của mình. Vật nhiễm luôn là cơ thể của một người mới chết.

Cách chữa: Không có.

7. Kiết lỵ (series Oragon Trail)

Đối tượng: Những người đi khai phá, mở đường

Cơ chế: Tiêu chảy, đổ mồ hôi nặng, đau bụng và đi ngoài có máu là các triệu chứng cơ bản. Kiết lỵ có thể lây truyền trong một số cách, nhưng thường thông qua thực phẩm bị hỏng và tiếp xúc trực tiếp với nguồn vi khuẩn

Cách chữa: Nghỉ ngơi, bồi bổ.

8. Nhiễm độc Tiberium (Command and Conquer)

Đối tượng: Con người.

Cơ chế: Tiếp xúc quá nhiều với quặng Tiberium có thể gây kết tinh, chai sần da, sừng hóa, khó thở, cuối cùng là tử vong hoặc đột biến. Cho đến nay người ta vẫn chưa giải thích được yếu tố nào gây ra chứng bệnh này, chỉ biết rằng tiếp xúc với Tiberium hay hít phải khói của nó sẽ gây ra nhiễm độc toàn diện.

Cách chữa: Điều trị tại chỗ và sử dụng máy xông mũi họng có thể làm chậm sự phân hủy.

9. Chứng zombie hóa (tất cả các game về zombie)

Đối tượng: Con người.

Cơ chế: Tùy vào cơ thể người nhiễm và tùy loại tác nhân gây bệnh, chứng zombie hóa có thể khiến con người trở thành loài zombie chậm chạp hoặc cực kỳ nhanh nhẹn. Điểm chung của zombie là không còn khả năng suy nghĩ hay kiểm soát cơ thể, dẫn đến việc tấn công bất cứ sinh vật sống không phải zombie.

Cách chữa: Không có cách để chữa zombie trở thành người, cho dù đôi khi vẫn có văc-xin.

10. Dịch hạch chuột (Dishonored)

Đối tượng: Con người..

Cơ chế: Ban đầu, những người nhiễm bệnh sẽ xuất hiện một vài triệu chứng như vùng da ở ngực và đầu bị đổi màu. Khi bệnh tiến triển, phổi và não bị tổn thương nặng hơn, khiến người bệnh mắc chứng ho mãn tính và giảm đáng kể khả năng nhận thức. Ở các giai đoạn sau, các triệu chứng xuất hiện bao gồm cả xuất huyết kết mạc (gây chảy máu ở mắt) và hoại tử do sâu bọ ký sinh.

Cách chữa: Cách ly người bệnh, sử dụng phương pháp chữa bệnh của Piero Joplin và Anton Sokolov.

Nguyễn Hào


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận