Những hãng phát triển game Nhật Bản ngừng hoạt động đáng tiếc

Một số studio yểu mệnh của Nhật Bản gây nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ.

Có một thực tế trớ trêu của cuộc sống, đó là giỏi làm một việc gì đó chưa chắc đã đem lại thành công. Trong ngành công nghiệp trò chơi, thiết kế nên một tựa game đẹp, độc đáo, sáng tạo không đồng nghĩa với việc tựa game đó chắc chắn sẽ thu về lợi nhuận như mong đợi. Để khép lại một năm 2014 đầy biến động của làng game thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng, hãy cùng điểm lại một vài gương mặt studio Nhật Bản đã chấm dứt hoạt động một cách đáng tiếc, từ quen thuộc cho tới tương đối vô danh.

Hudson Soft

Nổi tiếng với: Bomberman, Bonk, Mario Party

Bất kì một hãng phát triển xuất sắc nào "trôi vào dĩ vãng" cũng đều là chuyện đáng buồn, nhưng còn đáng buồn hơn nếu như di sản của những hãng phát triển ấy đã có từ tận trước khi hệ máy NES ra đời. Là một trong những công ty đầu tiên phát triển game cho hệ máy đời đầu của Nintendo, Hudson Soft "khởi nghiệp" với BombermanAdventure Island - cả hai đều tạo được ấn tượng đáng kể với giới game thủ Nhật Bản và Hoa Kì. Hãng còn thu được sự ủng hộ của một lượng nhỏ người chơi bằng TurboGrafx-16, một đối trọng của SNES, Genesis và nổi bật với rất nhiều tựa game chất lượng, bao gồm series BonkMilitary Madness.

Nhiều năm trôi qua, Hudson vẫn duy trì hoạt động bằng sự hồi sinh của những phiên bản Bomberman Online, cũng như chung tay phát triển series Mario Party với Nintendo. Cái kết cho hành trình của Hudson hoàn toàn không đến từ những lý do tài chính, mà bởi vì cổ phiếu của hãng được Konami mua lại. Đến đầu năm 2012 Hudson Soft đã chính thức trở thành "người một nhà" với Konami, ngừng hoạt động với danh nghĩa một công ty độc lập. Trong khi đó, nhiều cựu chuyên viên thiết kế của Hudson Soft lại quyết định tách riêng để thành lập một công ty mới mang tên Nd Cube và tiếp tục công việc đã khiến họ nổi danh: Phát triển dòng game Mario Party (phiên bản gần đây nhất là Mario Party 9 được ra mắt từ tháng 3/2012. Mario Party 10sẽ được trình làng vào năm sau trên hệ Wii U).

Cing

Nổi tiếng với: Little King's Story, Hotel Dusk


Cing giống như một ngôi sao vụt sáng rất nhanh rồi tắt ngúm. Thuở đầu là một studio chuyên về game nhỏ, độc lập, Cing chịu trách nhiệm phát triển dự án cho những hãng phát hành khổng lồ như Nintendo, Capcom và Tecmo. Công ty từng có một thời đạt "phong độ đỏ" với những tựa game giải đố trên hệ DS như trò chơi phiêu lưu phá án thông minh Hotel Dusk hay tựa game survival Another Code (mang tên Trace Memory tại Mĩ).

Cuối những năm 2000 Cing bắt đầu cho thấy những dấu hiệu trục trặc đầu tiên. Nhiều tựa game của hãng, bao gồm cả hậu bản của Hotel DuskAnother Code, được chuyển thể sang tiếng Anh, song lại chỉ được phát hành tại Mĩ hoặc châu Âu chứ không phải cả hai, dẫn đến tình trạng sụt giảm doanh số. Một dấu hiệu trục trặc khác đó là sản phẩm tham vọng nhất của Cing, tựa game được các nhà phê bình tương đối yêu thích Little King's Story, lại có doanh thu khá tệ (vấn đề xảy ra với hầu hết những trò chơi do một hãng "tay ba" third-party phát triển trên hệ Wii). Công ty đã tuyên bố ngừng hoạt động vào năm 2010, và mặc dù Little King's Story sau đó đã được tái sinh trên Vita vào tháng 10/2012, những thành viên còn sót lại của Cing đã lên đường tìm kiếm những thử thách mới.

Clover Studios

Nổi tiếng với: Okami, Viewtiful Joe, God Hand

 


Đại diện tiêu biểu nhất của danh sách này, Clover, vốn là một studio độc lập được Capcom cấp vốn để tạo nên những dòng game mới. Đây từng là "tổ ấm" của những bộ não sáng tạo nhất trong "đại gia đình" Capcom, bao gồm Shinji Mikami (Resident Evil, Dino Crisis) và Hidekii Kamiya (Devil May Cry). Hợp tác cùng nhau, nhóm thành viên tài năng này phát triển nên tựa game platformer đặc sắc Viewtiful Joe và sau đó là hậu bản của nó, cùng với sản phẩm "kì quái" God Hand và một Okami được ca tụng hết lời.

Tuy nhiên mọi chuyện không diễn biến như mong đợi. 2006 chứng kiến sự trình làng của Okami với vô vàn bài tán dương nhiệt liệt, song game lại bán rất tệ và doanh thu cũng tệ hại chẳng kém của God Hand, như giọt nước làm tràn li, đã chính thức đặt dấu chấm hết cho Clover. Capcom tỏ rõ ý muốn hợp nhất studio vào tập đoàn - quyết định đã khiến cho Mikami, Kamiya và nhiều người khác nữa "đường ai nấy đi" với gã khổng lồ của Nhật Bản.

Nhưng câu chuyện của Clover chí ít vẫn còn có hồi kết bớt tăm tối hơn so với hầu hết những cái tên trong danh sách này. Nhiều thành viên then chốt của Clover, bao gồm Kamiya, Mikami và CEO của Clover Atsushi Inaba đã thành lập nên studio Platinum Games, hướng đến mục tiêu phát triển game dựa trên chất lượng và tính sáng tạo đã từng được Clover đặt nền móng. Và có thể nói họ đang trên đà đạt được mục tiêu đó với những sản phẩm thành công cả về "chất" lẫn "lượng" cũng như rất được giới hâm mộ ưa thích như Vanquish, Bayonetta hay Metal Gear Rising: Revengeance.

Team Silent

Nổi tiếng với: Silent Hill


Quá trình hình thành của Silent Hill cũng u ám y như thị trấn cùng tên trong game vậy. Một tập hợp các chuyên viên phát triển nội bộ của Konami (vốn đã thất bại với những dự án trước đó và đã có ý định rời khỏi công ty) được "gom nhặt" lại để thiết kế nên một dòng game survival horror mới cho hệ máy PlayStation, cũng là cơ hội cuối cùng dành cho họ. Trái ngược với sự thiếu tin tưởng nơi Konami, Silent Hill sau đó trở thành một thành công ngoài mong đợi, và một nhóm phát triển nội bộ mới cũng từ đó mà chính thức ra đời.

Đội ngũ phát triển này tiếp tục cho ra lò 3 phiên bản tiếp theo của series, mỗi phiên bản lại là một chuẩn mực mới về nỗi ám ảnh và sự giày vò tâm linh cho thể loại game kinh dị. Với những thành quả như thế, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ vị thế một trong những nhóm phát triển quan trọng nhất của Konami không thể nào tuột được khỏi tay Team Silent. Nhưng không. Thay vào đó, sau những thông tin về doanh thu tương đối thất vọng của Silent Hill 4, Konami đã thẳng thừng cho giải tán Team Silent, chia các thành viên sang thực hiện những dự án khác nhau, và chuyển giao nhiệm vụ phát triển Silent Hill cho một loạt công ty phương Tây như Climax Studios hay Double Helix Games.

Fan của Silent Hill đã buộc phải chứng kiến dòng game yêu thích của mình dần tụt dốc dưới bàn tay nhào nặn của "người ngoài" trong suốt 5 năm qua. Dù vậy, họ chắc cũng cảm thấy được an ủi phần nào khi biết nhiều thành viên cũ của Team Silent đang đạt được những thành công nhất định bên ngoài "lãnh thổ" của Konami. Có thể kể đến như Akira Yamaoka, Suguru Murakoshi hay Keiichiro Toyama, hiện đã chuyển tới đầu quân cho những studio "tai to mặt lớn" như Grasshopper Manufacture, SCE Japan Studio và Kojima Productions.

Ignition Tokyo

Nổi tiếng với: El Shaddai


Nếu như cái kết của Clover làm game thủ cảm thấy tiếc nuối hay hụt hẫng thì hãy tĩnh tâm, bởi số phận của nạn nhân tiếp theo đây sẽ còn bi thảm hơn nữa. Sau khi Capcom cho giải tán Clover, nhiều cựu nhân viên của hãng một lần nữa bắt tay nhau để cùng "tái sinh" dưới cái tên Platinum Games. "Rất nhiều" chứ không phải "toàn bộ". Thủ lĩnh trong số còn lại đó là Takeyasu Sawaki, một nghệ sĩ thực thụ với "tác phẩm" tiêu biểu nhất trong quãng thời gian hoạt động tại Capcom là đảm nhiệm khâu thiết kế nhân vật cho Devil May CryOkami. Với sự hỗ trợ từ nhà phát hành Ignition, Sawaki tỏ ra rất nóng lòng bắt tay vào "đạo diễn" sản phẩm đầu tiên, và El Shaddai: Ascension of the Metatron là minh chứng cho tài năng xuất chúng của ông.

El Shaddai cho tới nay vẫn là một trong số những tựa game có hiệu ứng hình ảnh choáng ngợp nhất từng được trình làng trên PlayStation 3 - một thành tựu lớn về phong cách thiết kế nghệ thuật đã không may bị chi phối bởi một cơ chế gameplay nhạt nhòa, không tương xứng chút nào với sự sáng tạo của hệ thống đồ họa. Sau hàng loạt bài đánh giá không khả quan cùng những phản hồi thiếu tích cực về doanh số, vẻ đẹp trong những thước hình của El Shaddai rốt cuộc đã không đủ để cứu nhóm phát triển có tuổi đời non trẻ của Sawaki khỏi kết cục bi thảm: Bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới trò chơi. Ignition ra quyết định giải tán nhóm và tạm ngừng vô thời hạn mọi hoạt động phát triển đang diễn ra ngay sau khi El Shaddai ra mắt tại các cửa hàng bán lẻ toàn cầu, bóp chết tiềm năng khởi đầu một series của tựa game này ngay từ trong trứng nước. Chuỗi sự kiện đáng tiếc này dường như đã khiến cho Sawaki nản lòng và lui vào bóng tối. Cho đến tận thời điểm hiện tại, tức đã gần 3 năm sau ngày Ignition Tokyo đóng cửa, ông vẫn chưa bắt tay vào một dự án làm game đáng kể nào cả.

AKI Corporation

Nổi tiếng với: Những tựa game đấu vật trên hệ N64


Ở Mỹ, cuối những năm 90 là thời kì thịnh vượng nhất của môn đấu vật chuyên nghiệp, vượt mặt bất cứ môn thể thao nào khác cùng thời điểm hay thậm chí là cả sau này. Stone Cold, Goldberg, Dwayne "The Rock" Johnson, tất cả đều là "đặc sản" của người Mỹ, là người hùng đối với cả một thế hệ thanh thiếu niên hâm mộ. Và trong khi phần lớn những tựa game đấu vật được trình làng ở giai đoạn này đều tệ đến nỗi "không ngửi nổi", hãng phát triển có cái tên AKI là một gương mặt hiếm hoi đã đưa được bộ môn giải trí cơ bắp này lên một tầm cao mới, nhờ vào một hệ thống chiến đấu có chiều sâu bất ngờ, rất được các fan Hoa Kì và Nhật Bản ưa chuộng.

Khởi đầu bằng WCW vs nWo: World Tour, AKI "xuất xưởng" một series wrestling game chú trọng vào cơ chế điều khiển - chiến đấu đem lại sự cân bằng. Hãng nắm bắt tốt hơn ai hết sự cuồng nhiệt và "máu lửa" cao độ của các võ đài đấu vật, yếu tố chính gây nên niềm say mê nơi người hâm mộ. Sau một chuỗi thăng hoa với những trò chơi thuộc hàng kinh điển của hệ máy N64 như WCW, WWFVirtual Pro Wrestling, AKI bước lên "sân chơi mới" GameCube và cố gắng tái dựng lại những thành công trước đây với 2 phiên bản Def Jam VendettaDef Jam: Fight for NY liên tiếp hứng chịu những thất bại về doanh số bán, dù rằng có chất lượng không tồi. Cuối cùng, "ngôi sao" AKI lẫy lừng một thời biến mất và bị đổi tên thành "syn Sophia", giờ đây được biết tới nhiều hơn với công việc phát triển các tựa game hướng tới đối tượng... nữ sinh, không còn bất cứ một sự liên quan nào tới quá khứ hào hùng với bộ môn đấu vật nữa.

Flagship

Nổi tiếng với: The Legend of Zelda: The Minish Cap/Oracle of Seasons/Oracle of Ages


Dù những tựa game gắn mác Legend of Zelda luôn nằm trong số những sản phẩm được yêu thích nhất trong thế giới game, có một thực tế là có rất ít nhà phát triển không thuộc nội bộ Nintendo từng thu được kết quả khả quan khi cố gắng tái xây dựng công thức của dòng game này. Studio phụ trợ của Capcom, Flagship, là một trong số ít đó, với công lao phần lớn thuộc về nhà sáng lập Yoshiki Okamoto. Ông là người đề xuất ý tưởng thực hiện một bộ remake các phiên bản Zelda với cha đẻ của dòng game này, Shigeru Miyamoto, mặc dù sau đó kết quả của kế hoạch này là sự ra đời của 2 phiên bản mới và khác biệt hoàn toàn chứ không chỉ là remake như dự kiến. Oracle of SeasonsOracle of Ages trở thành hai tựa game trên nền Game Boy Color gây nên tiếng vang lớn cho Flagship, dù rằng chúng không thể tới tay nhiều game thủ khi lựa chọn xuất hiện trên một hệ máy cổ lỗ đã sắp lui vào... viện bảo tàng.

Những tính toán thiếu chuẩn xác và sự kém may mắn thêm một lần nữa dẫn đến tình huống trớ trêu xảy ra với phiên bản Zelda kinh điển của Flagship, Minish Cap (2005), vốn được ra mắt trên hệ Game Boy Advance... đúng vào thời điểm hệ máy mới DS cập bến và bị chiếc handheld tham vọng này làm lu mờ. Ngoài những đóng góp cực kì giá trị kể trên cho series Zelda, Flagship còn giúp đỡ Capcom trong quá trình thực hiện một loạt trò chơi xuất sắc khác (Resident Evil Code: Veronica, Resident Evil Zero, Onimusha: Warlords) cũng như tự phát triển thành công hai phiên bản của trò chơi vui nhộn Kirby. Năm 2007, Flagship bị giải thể và sáp nhập vào Capcom, chấm dứt cơ hội bổ sung thêm những phiên bản "phá cách" cho seriesZelda. Okamoto sau đó đã rời khỏi Capcom để thành lập Game Republic, thêm một công ty nữa có khởi đầu đầy hứa hẹn để rồi sau đó lại "chết yểu" khi bị đóng cửa vào năm 2011.

Nhiều hãng phát triển dưới trướng Sega

Nổi tiếng với: Rez, Jet Set Radio, Crazy Taxi.


Sega từ trước tới nay luôn được hậu thuẫn bởi một đội ngũ các nhóm làm game có chất lượng, như AM2 (Virtual Fighter) và Sonic Team, và hãng giải trí này tiếp tục bổ sung mạnh mẽ hơn nữa số lượng thiết kế viên của mình sau khi tái cơ cấu bộ máy phát triển game xoay quanh sự ra đời của hệ máy Dreamcast. Cả tá nhóm thiết kế mới được lập nên để "chắp cánh" cho Dreamcast bằng những tựa game xuất sắc, có thể kể đến như Amusement Vision, Smilebit, WoW và United Game Artists.

Nhờ vào sự mở rộng và nâng cao óc sáng tạo này mà trước khi "tàn đời", cỗ máy yểu mệnh Dreamcast đã kịp giới thiệu tới công chúng một số sản phẩm ấn tượng bậc nhất trong lịch sử Sega như Space Channel 5, Skies of Arcadia hay series NFL 2K. Hệ thống studio con dày đặc này vẫn được giữ nguyên ngay cả khi Sega đã chuyển hướng sang làm game cho những đối trọng trước đây của họ, với những trò chơi đáng nhớ như Super Monkey BallF-Zero GX, song tình hình tích cực này không kéo dài được lâu. Sau sự kiện Sega liên doanh với công ty đồ chơi - máy trò chơi Sammy và trở nên thiếu mặn mà hơn với công tác làm game, chuỗi studio này cũng bị "hút" theo xu hướng chung của công ty mẹ và những sản phẩm game của Sega kể từ đó tới nay không còn giữ được cái chất như trước nữa. Bước ngoặt này cũng dẫn tới sự ra đi đồng loạt của thủ lĩnh các studio con, đáng chú ý hơn cả là Tetsuya Mizaguchi, người sáng lập nên Q Entertainment ngày nay (Lumines, Meteos, Child of Eden).

Linh Vũ


Nguồn: GameThu

Bạn thích:
     

Thảo luận