Như đã biết, ngày 22/11 vừa qua GameK được vinh dự thử nghiệm 2112 Revolution tại trụ sở Emobi Games. Đây là dịp khá hiếm hoi mà Emobi chịu tiết lộ chi tiết về sản phẩm của hãng, và sau hơn 2 giờ trải nghiệm, chúng tôi xin truyền tải những quan điểm của mình về trò chơi này để bạn đọc có được cái nhìn tổng quan hơn.
Cũng xin nói trước, vì một số vấn đề bảo mật nội dung mà Emobi Games đề ra, nên GameK sẽ chọn lọc những ý chính nhất trong bài viết này. Còn đánh giá chi tiết về 2112 sẽ được trình bày trong thời gian tới.
Phòng thử nghiệm 2112 của Emobi Games.
Đồ họa
Có lẽ điểm đang được gamer đặt dấu chấm hỏi nhiều nhất về 2112 là khía cạnh đồ họa, vì dù sao trước nay các MMO made in Việt Nam vẫn hơi yếu về mặt này. Và theo cảm nhận của chúng tôi, Emobi Games đã làm quá tốt so với mong đợi, dẫu sao, hãng cũng có nhiều kinh nghiệm sau dự án 7554 năm 2011.
Thứ nhất, các mô hình unit ingame được thiết kế hoành tráng và chi tiết, mặc dù các unit cỡ lớn chiếm gần hết diện tích màn hình nhưng các chi tiết trên thân thể vẫn bóng bẩy chứ không bị nhạt nhòa. Bên cạnh đó, địa hình màn chơi cũng hết sức đa dạng, chúng tôi được trải nghiệm một màn chơi với địa hình khá phức tạp, và tất cả đều hoàn toàn bị thuyết phục khi từng dãy núi, từng khe nứt đều được thiết kế tỷ mỉ.
Dĩ nhiên, cũng không thể bỏ qua khâu thiết kế 2D ở màn hình đăng nhập, menu lựa chọn hoặc các icon kỹ năng (dành cho tướng). Để diễn tả một cách xác đáng nhất, thì khâu này 2112 không hề thua kém bất kỳ MMO nào trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, người viết rất ấn tượng với các icon kỹ năng, có thể nói chúng đẹp và bắt mắt tương đương với DotA.
Hạn chế duy nhất của 2112 về khâu đồ họa có lẽ là góc quay camera hơi gò bó, gamer chỉ có thể zoom xa gần chứ không thể xoay theo mọi hướng. Có lẽ đây là dụng ý của Emobi khi hướng trò chơi tới khía cạnh đơn giản, phù hợp với đối tượng người chơi trong nước vốn đã quen với gameplay dạng 2D, 2.5D.
Không còn liên tưởng đến StarCraft
Kể từ khi 2112 được giới thiệu đến nay, câu hỏi mà nhiều gamer đặt ra vẫn là liệu game có sao chép quá nhiều từ StarCraft, nhất là sự tương đồng giữa 3 chủng quân. Thú thực là khi mới tới thử nghiệm, người viết nhiều khi vẫn gọi chủng Legion là... Zerg, Sect là... Terran, tuy nhiên ấn tượng đó nhanh chóng qua đi.
Đầu tiên, về mặt thiết kế, các unit in-game xét về tổng thể có thể gần giống với StarCraft, nhưng càng nâng cấp và chơi lâu thì gamer sẽ càng thấy chúng khác xa nhau. Có chăng, sự tương đồng chỉ là triết lý rẻ - yếu, đắt - mạnh (Legion giống Zerg khi tiền mua quân ít, số lượng nhiều nhưng yếu, còn Herran giống Protoss khi tiền mua quân đắt, số lượng ít nhưng tinh nhuệ).
Còn về mặt gameplay thì từ đầu đến cuối đều khác hẳn. Nếu như trong StarCraft phương án xây nhà và chiến thuật của 3 chủng quân khác hẳn nhau ngay từ đầu thì với 2112, chúng lại có phần giống. Khác biệt chỉ xảy ra khi người viết bắt đầu điều quân chiến đấu. Nói một cách dễ hiểu, gameplay trong 2112 không quá phức tạp, và dù bạn chưa hiểu gì về từng chủng quân thì cũng có thể xây dựng được.
Sự khác biệt
Như trong bài phỏng vấn đại diện Emobi từ trước, đại diện hãng luôn khẳng định rằng 2112 không hề giống với bất cứ MMO nào trên thị trường, nhất là về lối chơi. Và theo cảm nhận của người viết thì đúng là như vậy. 2112 vừa có nét giống một game thủ thành, lại vừa có nét giống một game RTS, chưa kể sự phảng phất của gameplay Heroes 3.
Cụ thể hơn, cả yếu tố micro và macro trong việc điều quân của 2112 đều được tối giản hẳn (nếu không muốn nói là gần như rất ít, riêng micro gần như không có gì). Thế nhưng việc sắp xếp tinh tế của địa hình lẫn các cột trụ kiểu thủ thành khiến gamer nảy sinh ra hàng chục phương án chiến thuật khác nhau.
Một thí dụ đơn giản như trong nhóm quân của người viết có quân chạy nhanh, có quân chạy chậm, vậy thì làm thế nào để chúng cùng tới mục tiêu cùng lúc, trong khi yếu tố micro bị tối giản hẳn? Câu trả lời là hoàn toàn có thể được, đó là điều tiết tốc độ sinh quân hoặc lùi tiến quân đúng thời điểm. Nói chung, mới nhìn qua có lẽ nhiều gamer sẽ cho rằng 2112 khá đơn giản, nhưng có cầm quân thực sự thì mới thấy khó nhằn.
Điểm lại trong trí nhớ của người viết, rõ ràng là trước nay chưa hề có bất cứ một MMO nào giống như 2112. Đây là thành quả không nhỏ của đội ngũ designer gameplay phía Emobi Games.
Gameplay tạo hiệu ứng funny nhiều hơn là hard-core
Trong buổi thử nghiệm, người viết có dịp chơi đấu thử với một vài người chơi khác, và cảm xúc dễ nhận thấy nhất là 2112 tạo cảm giác vừa cay cú, vừa funny. Bạn có thể chơi 2112 trong nhiều giờ liền mà vẫn không thấy chán vì tính chất bất ngờ trong gameplay, cộng với khả năng sáng tạo chiến thuật tưởng chừng đơn giản mà lại khó nhằn.
Ví dụ như trong một màn chơi, khi quân địch rất "khôn", mỗi lần thấy heroes của người viết chuẩn bị cast skill là lập tức... chạy về thủ, và vì thế người viết nảy ra một ý định là cast skill ở phía sau đám quân địch, hiệu quả ra sao thì ai cũng đã rõ. Hay như khi người viết đang ầm ầm tấn công thì không ngờ rằng phe đối định đã điều một máy bay tàng hình sang phá nhà, và vì không kịp nâng cấp tháp canh lên mức chống tàng hình nên đành... chịu trận.
Dĩ nhiên, nói là funny nhưng cũng không có nghĩa là 2112 quá đơn giản. Các hệ thống nâng cấp, xây dựng đều được thiết kế tỷ mỉ và khá phức tạp, đòi hỏi phải chơi lâu mới rút ra được kinh nghiệm nên nâng cấp gì, nên bỏ qua gì. Trao đổi với đại diện Emobi thì mỗi tầng nâng cấp có thể lên đến... 50 level, tha hồ cho "trâu cày" nghịch ngợm cũng không thể hết nhanh được.
Bên cạnh đó, cũng cần khen ngợi NSX vì hệ thống hướng dẫn cách chơi lúc đầu rất tỷ mỉ, chỉ cần làm quen trong 15 phút thì chắc chắn bạn đã có thể tham gia chiến đấu ngay lập lức. Nếu còn e ngại, game cũng cung cấp hệ thống thi đấu với máy theo từng cấp nhiệm vụ để giành phần thưởng là tiền hoặc điểm kinh nghiệm.
Tóm lại, 2112 Revolution là một MMO rất đáng để trông đợi trong giai đoạn cuối năm 2012 này, hy vọng nó sẽ xóa đi cái dớp game made in Việt Nam chỉ toàn copy ý tưởng từ nước ngoài.
Những tin tức tiếp theo sẽ được truyền tải trong thời gian sớm nhất.
|