Thị trường game Việt trong 2 năm gần đây tràn ngập webgame, đó là điều không phải bàn cãi. Sự gia nhập của hàng loạt MMO chơi trên trình duyệt trong khi MMO cài đặt chính thống thụt lùi chính là nỗi buồn đối với toàn ngành game nội địa, và nếu tình trạng này kéo dài thêm, rất có thể chỉ cần 1, 2 năm nữa thôi thì thị trường sẽ rơi vào khủng hoảng.
Thế nhưng không phải ai cũng biết, bên cạnh nỗi lo về một thị trường què quặt, làng game Việt còn đang ngày ngày vỗ béo cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhất là khi càng ngày các webgame mua về nước càng bị đẩy giá lên cao, thậm chí rất cao so với khả năng hút khách thực sự của nó.
Thực trạng
Hiện tại, thị trường Trung Quốc là nơi sản xuất ra webgame nhiều nhất trên thế giới. Theo tính toán thống kê thì năm 2011 Trung Quốc cho ra đời khoảng 180 webgame. Vào cuối năm 2009 hay 2010 thì webgame bán vào thị trường Việt Nam giá chỉ khoảng chừng 30~50.000 USD cho 1 tựa game (~ 6 trăm triệu tới 1 tỷ VNĐ).
Những Webgame cũ được mua về hồi 2009 - 2010 chỉ chừng 30~50.000 USD.
Nhưng đến năm 2010 nhiều doanh nghiệp phát hành game tại thị trường Việt Nam ra mắt và nhận thấy rằng việc kinh doanh webgame có thể mang về lợi nhuận nhanh nên tất cả đều đặt mục tiêu nhắm vào webgame dẫn tới tình trạng đua tranh và đẩy giá để mang về những tựa game ăn khách tại thị trường Trung Quốc, vô tình nâng cao mặt bằng giá nhập game về.
Trong năm 2011, theo khảo sát sơ bộ thì gần như không webgame nào được ký kết với giá dưới 50.000 USD, đa phần là từ 60~80.000 USD cho 1 game. Cho đến năm 2012 thì giá để nhập 1 tựa webgame về thị trường Việt Nam thấp nhất cũng là 70.000 USD và cao nhất có thể lên đến hơn 200.000 USD (~ 4 tỷ VNĐ).
Với dòng webgame 3D (có thể có cài đặt client dung lượng thấp) hiện nay thì giá thấp nhất cho 1 webgame như vậy ở tầm 120.000 USD (~ 2,5 tỷ VNĐ). Như vậy rõ ràng chỉ sau 2 năm mà giá webgame đã bị Trung Quốc đẩy lên gấp hơn 2 lần, mức chênh lệch quá lớn so với tốc độ mất giá của đồng tiền.
Giá tiền mua Webgame đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 sau 2 năm.
Dĩ nhiên, nếu chất lượng game ngày càng tốt hơn thì chẳng nói làm gì, nhưng có thể thấy rõ hiện tại mặt bằng webgame nhập về nước còn rất thấp nếu không muốn nói rằng chẳng hơn gì trước. Vậy thì việc tăng giá chính là cách làm khôn ngoan của các doanh nghiệp Trung Quốc, hoặc nói cách khác, làng game Việt đang vỗ béo người khác, trong khi bản thân còn lắm khó khăn.
Hậu họa hơn nữa là theo dự đoán với tình hình giá mặt bằng webgame được nâng cao như thế và số lượng webgame về ào ạt trong thời gian sắp tới rất nhiều công ty phát hành game online mới ra mắt hoặc nhỏ tại thị trường Việt Nam sẽ không còn trụ nổi nếu họ quyết định sai lầm khi mua 1 tựa game nào đó.
Bài toán khó giải
Không phải các NPH nội địa không biết điều trên, hoàn cảnh hiện tại dồn họ tới nước không thể lựa chọn khác. Với các công ty lớn thì họ sở hữu đội "chuyên lùng game" với kinh nghiệm nhiều nên có thể tạm thời chưa đáng lo về mặt quyết định sai lầm, nhưng có một thực tế là game càng hay thì càng nhiều người muốn mua và bài toán tăng giá lại xuất hiện.
Webgame được mua về quá nhiều khiến chúng tăng giá.
Theo một số cá nhân làm việc trong ngành, thị trường game Việt béo tốt đến nỗi lúc này việc các doanh nghiệp Trung Quốc mang game sang tận nơi chào hàng là chuyện cơm bữa. Thậm chí trong một ngày họ đi lại tới vài công ty, và nếu game đó hấp dẫn thì cuộc ganh đua trả giá bắt đầu diễn ra, bên thắng cũng phải tốn nhiều tiền để "đấu giá" còn bên thua lại cuống cuồng đi tìm mua game khác để không bị tụt hậu.
Một số NPH chọn giải pháp tự sản xuất game (điển hình như VTC Studio), nhưng sản phẩm làm ra thứ nhất là quá ít, thứ hai là không có gì đột phá vì kinh nghiệm có hạn, vì thế rốt cuộc vẫn phải đi mua của nước ngoài. Ngay cả các học viên dạy phát triển game mới mở thời gian qua cũng rất khó thu hút được sinh viên, và con đường sản xuất hàng nội còn lắm chông gai.
Game thuần Việt chưa thu hút được người chơi.
Đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan", mua game hay thì không dám vì sợ khâu giấy phép, mua webgame thì bị ép giá, rõ ràng người chịu thiệt chính là doanh nghiệp chứ không chỉ game thủ. Trong khi quyền được giải bài toán khó này lại không nằm trong tay cả hai đối tượng này.
|