Creepypasta: Những truyền thuyết lạnh gáy của cộng đồng mạng

Một chủ đề mới nổi lên trong những ngày gần đây.
Gần đây ở các forum lớn ở Việt Nam đang có một chủ đề được khá nhiều người quan tâm, xoay quanh các mẩu chuyện, video hoặc đơn giản chỉ là một tấm hình nhưng có điểm chung đó là chúng đều mang lại cảm giác rờn rợn cho người xem, gọi chung là Creepypasta. Về bản chất có thể gọi creepypasta là truyện ma cũng không sai, tuy nhiên sức hấp dẫn của nó lại mạnh hơn rất nhiều một phần bởi chúng được thuật lại một cách chi tiết, có thời gian địa điểm xác thực giống như chính người trong cuộc kể lại hơn là sản phẩm thêu dệt của trí tưởng tượng. Một số câu chuyện được cho là dựa trên sự kiện có thật truyền tai nhau, như một bản nhạc khiến cho hàng loạt người tự tử sau khi nghe hoặc dễ chấp nhận hơn là phát hiện về các sinh vật kì lạ... chính yếu tố "nửa tin nửa ngờ" này đã tạo ra một không khí bí hiểm xung quanh Creepypasta, kích thích trí tò mò cũng như lôi cuốn những người theo dõi.
 
Creepypasta: Những truyền thuyết lạnh gáy của cộng đồng mạng 1
Slender Man cũng là một trong những Creepypasta rất nổi tiếng được chuyển thể thành game.
 
Và trong số rất nhiều câu chuyện kì bí ấy có không ít thứ liên quan tới trò chơi điện tử, đề cập đến những tựa game có thật và những sự kiện kì lạ xoay quanh chúng. Nhưng cho dù là sự thực hay hư cấu đi chăng nữa, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng có chút tò mò về truyện ma, đặc biệt khi có liên quan tới video game - món ăn tinh thần bấy lâu nay của nhiều người. Trước tiên hãy cùng đến với game creepypasta đầu tiên về một trò chơi rất nổi tiếng, đó là Pokemon.
 
Lavender Town Syndrome (hội chứng Lavender Town)
 
Red và Green là 2 phiên bản Pokemon đầu tiên được ra mắt tại Nhật Bản vào ngày 27/2/1996, trong đó có một địa danh mang tên Lavender Town. Ít lâu sau khi phát hành, người ta ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ em từ độ tuổi 7-12 đã tự sát theo nhiều cách khác nhau, số khác đổ bệnh hoặc nhẹ hơn cảm thấy đau đầu kinh khủng, và tất cả đều có một điểm chung đó là đã chơi Pokemon Red hoặc Green
 
Nhiều tin đồn nhanh chóng xuất hiện sau đó, cho rằng nguyên nhân là do một địa điểm có tên Lavender Town và tất cả những vụ tự sát chỉ xảy ra sau khi các nạn nhân đã đặt chân tới nơi này trong game. Bắt đầu nghiên cứu theo hướng đó, người ta nhận thấy rằng bản nhạc nền của Lavender Town mang giai điệu rất u ám và có chứa những âm thanh tần số rất cao mà chỉ tai của trẻ em mới cảm nhận được bởi chúng chưa phát triển hết, gây ra ảnh hưởng xấu đến đầu óc và cơ thể. Cái tên Lavender Town Syndrome cũng từ đó mà xuất hiện và được cho là nguyên nhân gây ra 200 trường hợp tự sát, phần lớn bằng cách treo cổ hoặc nhảy lầu.
 
Creepypasta: Những truyền thuyết lạnh gáy của cộng đồng mạng 2
Lavender Town trong Pokemon Red&Green&Blue.
 
Hiện tại, bản nhạc nền của Lavender Town có nhiều sự khác biệt giữa các phiên bản, nhưng những vụ tự sát chỉ được ghi nhận trong đợt phát hành đầu tiên của Pokemon. Hãng phát triển game khi đó đã phải tiến hành chỉnh sửa bằng cách hạ tần số của những âm thanh được cho là nguyên nhân, và từ đó chưa có trường hợp trẻ em tự sát nào xảy ra. Khác với đa số creepypasta khác đã được chứng minh là hư cấu, Lavender Town Syndrome hiện vẫn còn đang nằm trong vòng bí ẩn và gây tranh cãi.
 
Bản nhạc nguyên gốc trong Lavender Town.
 
Trong Pokemon Red, Lavender Town được biết đến là nơi yên nghỉ dành cho các Pokemon, vì vậy mà bản nhạc nền của nó cũng mang màu một màu sắc u ám đặc trưng.
 
Creepypasta tiếp theo mà chúng ta đề cập đến có liên quan tới một trò chơi được rất nhiều người biết đến cũng như được phát hành bởi Nintendo giống như Pokemon, đó là The Legend of Zelda: Majora's Mask, tuy nhiên vì câu chuyện đầy đủ rất dài nên xin dành lại cho các phần tiếp theo của bài viết. Sau đây là tóm tắt nội dung của creepypasta có tên gọi ngắn gọn là BEN này.
 
Haunted Majora's Mask (hay BEN) là câu chuyện được thuật lại bởi một sinh viên đại học, kể lại quá trình trải nghiệm tựa game The Legend of Zelda: Majora's Mask mà anh tình cờ mua được sau một buổi chiều cuối tuần dạo quanh khu vực quanh trường. Khi mới bắt đầu, trò chơi tỏ ra hoàn toàn bình thường, thậm chí còn hoạt động khá tốt đối với một món đồ trôi nổi không rõ nguồn gốc, ngoại trừ một chi tiết đó là sự tồn tại của một file save có sẵn trong băng mang tên BEN. Tất nhiên vì nó đã từng là của người khác nên Matt không lấy gì làm ngạc nhiên.
 
Creepypasta: Những truyền thuyết lạnh gáy của cộng đồng mạng 3
Majora's Mask trong Legend of Zelda.
 
Nhưng dần dần trong quá trình chơi, anh để ý thấy xuất hiện một số chi tiết kì lạ. NPC lẫn lộn giữa tên gọi nhân vật, những sự kiện xuất hiện rời rạc, ngẫu nhiên và không đúng thời điểm, texture bị mất hoặc trộn lẫn với nhau, bản nhạc nền bị phát ngược... Tiến sâu hơn, Matt bắt đầu phải nhìn nhận có gì đó không được bình thường ở băng trò chơi này và quyết định thu lại gameplay để làm bằng chứng.
 
(Còn tiếp)

Nguồn: GameK
Bạn thích:
     

Thảo luận