Từ trước tới nay, game thủ Việt đã không còn quá xa lạ khi những nhân vật, môn phái nổi tiếng trong tiểu thuyết Kim Dung xuất hiện trong các game online kiếm hiệp đang được phát hành ở nước ta. Ngay từ khi MMORPG kiếm hiệp đầu tiên được phát hành ở Việt Nam là Võ Lâm Truyền Kỳ, chúng ta đã thấy được hơi thở của tiểu thuyết Kim Dung xuyên suốt tựa game online này. Từ những môn phái nổi tiếng như Thiếu Lâm, Cái Bang, Võ Đang cho đến những môn phái nhỏ, tầm trung như Ngũ Độc, Côn Luân... cũng như cuộc chiến Tống - Kim nổi tiếng.
Điều đáng nói là có vẻ như chính cốt truyện Kim Dung đã góp phần làm nên thành công của những MMORPG này khi nó tạo được cho game thủ cảm giác thân thuộc, gần gũi. Ở trong game online, họ được trải nghiệm thế giới giang hồ đầy màu sắc, sống động giống y hệt như những gì họ đã được đọc từ các bộ tiểu thuyết hay các bộ phim về truyện Kim Dung. Chẳng thế mà cho đến bây giờ, những chiêu thức nổi tiếng trong truyện như Hàng Long Thập Bát Chưởng, Đả Cẩu Bổng, Lục Mạch Thần Kiếm... vẫn được game thủ truyền miệng và xuất hiện trong rất nhiều tựa game online khai thác đề tài kiếm hiệp.
Trên thực tế, kể cả những tựa game kiếm hiệp không lấy bất cứ một nội dung, cốt truyện cụ thể nào cả nhưng ở đó, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những tình tiết, địa danh, nhân vật từng xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung. Tuy nhiên, có vẻ như đề tài Kim Dung đang dần bị vắt kiệt và không còn đem lại hứng thú cho game thủ ở Việt Nam.
Game Kim Dung Kỳ Hiệp sắp được phát hành ở Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, nếu để ý thì bạn có thể thấy rằng liên tiếp có các Webgame khai thác thẳng mạch truyện của các bộ tiểu thuyết Kim Dung được phát hành. Trong đó, chúng ta phải kể đến những cái tên như Võ Hiệp Truyền Kỳ, Võ Lâm Ngũ Bá hay sắp tới là Kim Dung Kỳ Hiệp. Điều đáng tiếc là các Webgame này dường như chỉ cố... gán ghép đề tài Kim Dung vào để "câu khách" chứ trên thực tế, chúng lại không thể diễn tả đúng "cái hồn" của những bộ tiểu thuyết này. Thậm chí, trong game lấy đề tài Kim Dung còn xuất hiện cả các nhân vật từ... truyện "Cổ Long" như Sở Lưu Hương, Tây Môn Xuy Tuyết.
Thực vậy, nếu như bạn đã chơi thử các Webgame này thì có thể nhanh chóng nhận ra là đề tài Kim Dung gần như chỉ được đưa vào làm nền cho cốt truyện (thứ chẳng ai quan tâm) chứ các môn phái, chiêu thức nhân vật (skill)... lại chưa thể diễn tả hết các hồn của dòng tiểu thuyết này. Còn nhớ, ở Kiếm Thế, skill Lăng Ba Vi Bộ của phái Đoàn Thị giúp cho nhân vật có được đến gần 100% khả năng né đòn của đối thủ. Đây có thể xem là một skill hết sức độc đáo và có phần "ảo" nhưng chính điều này lại giúp cho game thủ cảm thấy trò chơi gần gũi với cốt truyện Kim Dung, đơn giản vì trong Thiên Long Bát Bộ, anh chàng Đoàn Dự may mắn học được môn khinh công nhất đẳng và chuyên dùng nó để chạy trốn kẻ thù.
Ngược lại, vì chỉ là cố đề đưa cái tên Kim Dung vào với mục đích câu khách nên đôi lúc, trong quá trình chơi, game thủ hầu như không cảm nhận được bất cứ điều gì khác biệt của các Webgame này soi với những Webgame kiếm hiệp thông thường khác. Các nhân vật chính trong truyện thường chỉ là các NPC đứng "ven đường", nói qua nói lại vài câu chứ không thực sự đóng một vai trò nổi bật nào trong trò chơi cả. Không chỉ có vậy, các môn phái, chiêu thức - Cái hồn của tiểu thuyết Kim Dung cũng không được xây dựng chi tiết và sát cho lắm.
Hầu như các skill của nhân vật đều được chia theo mô típ giống nhau nếu không muốn nói là "phái nào cũng như phái nào", họ đều có các skill gây damage chính, damage lan, tăng máu, tăng tốc độ... Nếu như trước đây, các môn phái được chia rất rạch ròi như Nga My là môn phái Buff chính, các môn phái còn lại như Thiếu Lâm là tanker, Đường Môn, Ngũ Độc với lối đánh cò quay còn Võ Đang có khả năng gây stun kinh khủng thì sự độc đáo, khác biệt giữa từng môn phái lại đang bị mất đi một cách đáng tiếc.
|