Khoảng thời gian đợi chờ đã gần như kết thúc, và cộng đồng game thủ sắp sửa được chạm tay vào phiên bản reboot của dòng game chặt chém khét tiếng Devil May Cry. Được thai nghén bởi Ninja Theory, studio đã từng tạo nên ấn tượng với cộng đồng qua các tác phẩm như Heavenly Sword vào năm 2007 hay Enslaved: Odyssey to the West vào năm 2010. Đã có không ít những fan của dòng game của Capcom đã tỏ vẻ hoài nghi, liệu rằng số phận của Dante trong bàn tay nhào nặn của studio đến từ Cambridge, Anh Quốc sẽ ra sao? Vì thế, ngay trước khi chạm tay vào tựa game, hãy cùng chúng tôi điểm qua những nét chính tạo nên sắc thái khác biệt cũng như “ăn điểm” của DmC phiên bản 2013 ngay sau đây.
Succubus, một trong những boss của game.
Cốt truyện
Cốt truyện của game tương đối đơn giản, Dante, một tay thợ săn quỷ trẻ tuổi vướng vào cuộc chiến với đội quân bóng tối mà kẻ cầm đầu không ai khác chính là Mundus, chúa tể loài quỷ dữ và cũng từng là người anh em vào sinh ra tử với cha của anh, chiến binh huyền thoại Sparda. Thông qua tổ chức the Order, mà cầm đầu lại là Vergil, người anh song sinh của Dante, chàng trai trẻ bắt đầu cuộc chiến với những thế lực to lớn một mặt kiểm soát thế giới loài người đang u mê và lạc lối, mặt khác cố gắng xóa sổ những thợ săn quỷ còn sót lại như Dante.
Ấn tượng đồ họa
Nếu như những phiên bản Devil May Cry trước đây gây ấn tượng với người chơi thông qua phong cách đồ họa đậm chất cổ điển, với những công trình kiến trúc Gothic hoành tráng, thì DmC qua bàn tay của Ninja Theory lại là một thái cực khác.
"Lên TV rồi kìa".
Nét cổ điển vẫn còn đó, nhưng bao trùm lên trên tất cả là phong cách u ám của một thế giới bị kiểm soát bởi quỷ dữ, và đối nghịch lại với sự u ám, là những mảng màu tương phản không hề dịu mắt một chút nào, là những bức vẽ graffiti thể hiện sự nổi loạn và bất cần của nhân vật chính. Có thể nhiều người sẽ không thích hình tượng Dante cũng như thế giới mà Ninja Theory tạo ra vì nó rời xa phong cách truyền thống của series, nhưng nếu đứng trên phương diện một trò chơi độc lập, mặt hình ảnh của game thật sự không có gì đáng để phàn nàn.
Gameplay lạ mà quen
Qua nhiều bài viết trước đây, chắc hẳn các bạn cũng đã được chiêm ngưỡng qua một vài clip gameplay hay combo của nhân vật chính. Và sau khi chơi thử, GameK buộc lòng phải tặng thêm một điểm cộng cho đội ngũ thiết kế của Ninja Theory. Từng combo, từng đòn kết liễu với cây kiếm Rebellion hay cặp súng Ebony n’ Ivory đều không khác quá nhiều so với những Dante già dặn trong các phiên bản trước. Và như một lẽ dĩ nhiên, Dante trẻ tuổi dường như vẫn chưa thể quen với cây kiếm nặng nề, những thao tác vẫn còn chút lóng ngóng và hay mất đà sau một lượt combo.
Khả năng của lưỡi hái Osiris.
Thay đổi tất cả không phải lúc nào cũng tốt, nhưng giữ lại mọi thứ của quá khứ lại càng là một sai lầm chết người. Hiểu được điều này, Ninja Theory đã “tặng” cho Dante một vài món vũ khí mới. Đó là cây rìu Arbiter, tượng trưng cho sức mạnh quỷ dữ và Osiris, chiếc lưỡi hái tượng trưng cho sức mạnh thiên thần, sức mạnh của mẹ anh, Eva. Trong mỗi màn chơi, bạn sẽ phải ứng dụng linh hoạt cả 3 món vũ khí cận chiến kể trên để tạo ra những đòn thế điên cuồng nhất, góp phần tăng điểm số sau mỗi màn chơi.
Bên cạnh những món vũ khí kể trên, trong quá trình “dẹp loạn”, hay cụ thể hơn là những màn đấu boss, Dante sẽ được “lên đời” thêm vài món vũ khí, ví dụ như nắm đấm thép Erix, cặp phi tiêu Aquila hay khẩu shotgun Revenant...
Nếu như trong phần 4, người chơi cần sử dụng một đơn vị “tiền tệ” mang tên Proud Souls để mở khóa những chiêu thức mới của vũ khí cũng như khả năng cho nhân vật, thì ở DmC, cách chơi của bạn sẽ vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến số điểm nâng cấp. Nói cách khác, combo càng "điên", số điểm sẽ càng cao, và bạn sẽ có cơ hội mở nhiều combo mới cho mỗi món vũ khí hơn.
Dante ngày nào vốn “khét tiếng” nhờ những phong cách chiến đấu riêng biệt (Style) như Swordmaster hay Gunslinger. Thế nhưng trong hệ thống chiến đấu mới tính năng này đã bị loại bỏ. Thay vào đó trên phiên bản Xbox 360, hai cò trái và phải sẽ đảm nhận việc chuyển đổi vũ khí theo hướng “angel” và “demon”. Trong khi đó phím D-pad cũng được thiết lập để thay đổi vũ khí một cách nhanh nhất, vì thế việc game thủ đạt được những chuỗi combo cỡ SS hay SSS cũng vẫn phụ thuộc vào việc ghi nhớ combo và thao tác nhanh mà thôi.
Một điều mới được Ninja Theory đưa vào DmC, đó là thi thoảng sẽ có một vài loại quái vật chỉ nhận sát thương bởi một trong hai loại vũ khí dạng Angel hoặc Demon với 2 màu xanh/đỏ tương ứng. Thử thách thực sự sẽ xuất hiện khi cả 2 loại này cùng có mặt tấn công người chơi, đòi hỏi bạn khéo léo "xử" từng con với món vũ khí thích hợp.
Có mới, cũng phải có cũ, khả năng "hóa quỷ" của Dante vẫn còn đó và được kích hoạt bởi hai nút analog trên gamepad. Tuy nhiên việc biến hình của Dante trong phiên bản mới tỏ ra "bá đạo" hơn rất nhiều, khi kích hoạt, tất cả quái vật sẽ đồng loạt bay lên trời và nằm im cho Dante... làm cỏ (ngoại trừ trùm). Còn lại khi trong trạng thái Trigger, cả tốc độ, sức sát thương của Dante lẫn điểm thưởng sau mỗi chuỗi combo đều sẽ tăng lên đáng kể giống như trước.
Arbiter, món vũ khí chậm nhưng cực kỳ lợi hại.
Như đã nói ở trên, cách điều khiển mới này giúp cho người chơi có thể “kéo” combo dễ hơn trước rất nhiều. Thế nhưng sự dễ dàng này chỉ hiện diện ở những cấp độ khó ban đầu như Demon Hunter hay Nephilim. Thử thách thật sự đến khi bạn bắt đầu thâm nhập vào thế giới bị ruồng bỏ Limbo với độ khó cỡ Dante Must Die hay Heaven or Hell. Khi đó mọi đòn đánh sẽ thực sự phải nhuần nhuyễn, kết hợp với khả năng sử dụng xích để kéo quái một cách hoàn hảo, nếu như bạn không muốn ngậm ngùi nhìn chàng thợ săn quỷ “về thành dưỡng sức”.
Giá trị chơi lại
Nếu như trước đây, không ít người đã bỏ ra cả tuần lễ chỉ để đi tìm những mảnh blue orb tăng máu hay hoàn thành những secret mission thì DmC sẽ vẫn làm cho các game thủ cầu toàn cảm thấy thỏa mãn nhờ vào hệ thống 25 nhiệm vụ bí mật đặt rải rác trong các màn chơi.
Điều hấp dẫn lại nằm ở chỗ, các màn chơi ẩn được đặt sau những cánh cửa mà muốn mở chúng ra, người chơi sẽ phải đi tìm chìa khóa. Có cả thảy 4 loại chìa khóa mở “ô cửa bí mật” tương ứng, và việc đi tìm những chiếc chìa khóa này chắc chắn sẽ gây tiêu tốn không ít thời gian cày kéo của người chơi. Giá trị chơi lại của game còn nằm ở hệ thống Lost Souls, những linh hồn vô tình lạc vào thế giới Limbo. Mỗi màn chơi sẽ có một số lượng Lost Souls nhất định, và việc tìm ra hết chúng cũng không dễ hơn việc đi tìm chìa khóa ở trên là bao.
Bên cạnh đó không thể không nhắc tới Bloody Palace - chế độ chơi vốn đã gắn liền với series từ những ngày đầu tiên (DMC 2). Đáng tiếc là nó không có mặt ngay ở trong game gốc mà sẽ xuất hiện dưới dạng DLC sau khi game phát hành, và đến lúc đó chắc chắn các gamer sẽ có thêm một lý do để tiếp tục tung hoành trong thế giới của DmC.
“Chúng ta đã thức giấc”
Vâng, đó chính là những lời loài người đã thốt lên vào cuối game, khi Mundus đã bị hạ gục. Con người đã thức giấc khỏi cơn mê đầy u ám tạo ra bởi loài quỷ dữ. Ở một chừng mực nào đó, tựa game cũng tạo cho người chơi cảm giác tương tự.
Bên cạnh đồ họa khắc họa sự nổi loạn, thì âm nhạc cũng là một tác nhân đem lại “lửa” cho mỗi màn chơi. Nếu như người Nhật trước đây sử dụng nhạc rock metal nặng nề, u ám và đầy sức mạnh làm nền cho mỗi trận đấu, thì người Anh lại khai thác một thể loại khác hoàn toàn, nhưng cũng không kém phần “long trọng”: Dubstep. Bộ ba DJ đến từ Hà Lan Noisia cùng nhóm nhạc Na Uy Combichrist đã tạo ra một bộ mặt hoàn toàn mới cho DmC, nhưng song hành với đó là việc giữ lại chất “điên cuồng” cần có cho một tựa game Devil May Cry.
Thế nhưng mặc dù thay đổi, người chơi vẫn nhận thấy một điều gì đó không hề lay chuyển bên trong các nhân vật của phiên bản mới. Đó là tính cách bất cần của Dante trái ngược với người anh trai Vergil đầy tham vọng, hay bản chất tham lam và tàn bạo toát ra từ con người Mundus. Tất cả vẫn như vậy, chỉ có điều chúng được đặt trong một thế giới khác.
Hai điểm trừ duy nhất của DmC, đó là trong khi quá chú trọng vào việc chăm chút hệ thống chiến đấu, đội ngũ tại Ninja Theory dường như đã bỏ quên vấn đề thiết kế màn chơi. 20 nhiệm vụ của DmC có thể nói là "đều đều" như nhau, và hệ quả tất yếu là người chơi chỉ có một việc, đi một mạch từ đầu chí cuối, thi thoảng rẽ ngang để tìm chìa khóa mở màn chơi ẩn hoặc cứu Lost Souls, và quay trở lại với nhiệm vụ chính. Tương tự như vậy, hệ thống câu đố của game cũng cực kỳ sơ sài. Sẽ chẳng có những câu đố "đốt thời gian" của người chơi, hoặc nếu có thì cơ chế của game cũng sẽ hiển thị mọi thứ ra cho bạn nhìn chứ chẳng cần chút động não như trước.
Mặc dù chạy ở tốc độ cố định 30 fps trên các hệ máy console, thế nhưng gameplay của DmC trong mắt người chơi vẫn hết sức trơn tru nhờ vào kỹ thuật xử lý hình ảnh đặc biệt đã từng xuất hiện trong một số tựa game trước đây của Capcom. Thêm vào đó là nhờ vào tông màu của game, người chơi sẽ vẫn thấy chuyển động của Dante cũng như cả thế giới mượt mà như phiên bản Devil May Cry 4 trước đây, vốn chạy ở tốc độ 60 FPS. Tuy nhiên những bạn đọc đang mong chờ phiên bản PC của trò chơi này hoàn toàn không phải lo lắng gì vì DmC sẽ không bị khóa FPS như console.
Tựu chung lại, DmC hoàn toàn là một tựa game đáng chơi chứ không phải là thứ "đồ bỏ" như nhiều người vẫn nghĩ. Game sẽ được chính thức phát hành trên Xbox 360 và PS3 vào ngày hôm nay 15/1, trong khi đó phiên bản PC sẽ đến tay game thủ vào ngày 25/1 tới đây.
|