Lịch sử game vi phạm bản quyền (kì 2)

Bước sang những năm 1990 và đầu những năm 2000, để đối phó với chế độ bảo mật, các hoạt động sao chép lậu ngày càng tinh vi hơn.

Phần 2: Những năm 90

Băng Gameboy nhiều trò

Vào năm 1989, Nintendo phát hành Game Boy. Nhóm thiết kế đứng đầu là Gumpei Yokoi chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống Game & Watch và các trò chơi cho máy NES như Metroid và Kid Icarus. Một số chuyên gia cho rằng màn hình đơn sắc của Game Boy quá nhỏ và khả năng xử lý không được tốt. Nhưng nhóm thiết kế lại tin rằng giá cả thấp và khả năng tiết kiệm năng lượng mới là những yếu tố quan trọng. Còn so với Microvision thì Game Boy đã tiến một bước xa.

Chắc hẳn mọi người vẫn còn chưa quên việc loại bỏ bảo mật trên hệ thống phần cứng của NES đã mở ra thị trường console nhái và băng ROM nhiều trò chứ? Điều ngạc nhiên là sau bài học của NES, dường như Nintendo không học được bài học gì về vấn đề bảo vệ bản quyền. Không còn chế độ bảo hộ phức tạp nữa, giờ đây chính tự tay họ xóa bỏ điều đó đi. Có hai lý do, một là Nintendo quá tự tin vào khả năng thành công của Gameboy, và hai là với một sản phẩm giá rẻ (90 USD năm 1989, rẻ tận hơn một nửa so với Lynx của Atari cùng thời) thì bảo mật có vẻ là thứ hơi bị… xa xỉ. Tất nhiên hacker chẳng bao giờ chịu bỏ qua miếng mồi ngon như thế.

Không có giao thức bảo mật của Nintendo, giờ đây bất cứ máy Gameboy nào cũng có thể chơi game của bất cứ khu vực nào, kể cả là game lậu hay game xịn. Do đó, khi băng lậu và bo mạch nhái máy Gameboy ra đời, không khó gì để kiếm một băng Gameboy có đến 10 trò ở trong đó. Loại băng đa ROM đó phổ biến tới mức không thể nào ngăn chặn hoàn toàn được. Thậm chí, băng đến từ châu Á và Đông Âu còn rất được game thủ ở Anh, một trong những thị trường tiêu thụ game lớn nhất thế giới từ trước đến nay ưa chuộng. May mắn thay, ở Mỹ loại băng này ít phổ biến hơn do Nintendo rất khắt khe về vấn đề bản quyền tại khu vực này.

Mod lại console

Đây là thời kỳ công cuộc chơi game không bản quyền dần bước vào thời kỳ hiện đại. Khi game trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và ngày càng phổ biến, chi phí dành cho việc đầu tư vào game ngày càng nhiều hơn và do đó, khả năng sao chép, chơi game lậu cũng ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, do công nghệ ngày càng trở nên phức tạp, phương pháp rã máy và sao chép các chi tiết, loại bỏ bảo mật không còn phù hợp nữa. Do đó, việc chỉnh sửa, mod lại console chính thức xuất hiện từ thời kỳ này.

Ngày nay, chúng ta đã quá quen với việc console mod lại chip như PS2, Wii hay Xbox 360. Tuy nhiên, ngay từ thời game 16 bit, tức là cách đây khoảng 20 năm console mod đã có mặt trên thị trường. Những mẫu máy đầu tiên sử dụng loại công nghệ này là SNES và Mega Driver (tức Sega Genesis), trên các máy được gắn thêm một công tắc để có thể lựa chọn bật, tắt chế độ khóa khu vực. Chúng ta đều biết rằng để cấp phép cho một game ở nơi này được phát hành tại một khu vực khác thường phải mất kha khá thời gian. Nhờ công tắc này mà rào cản về mặt địa lý đã biến mất, chẳng hạn, game thủ ở châu Âu sẽ không còn phải chờ từ một tuần đến một tháng để các game đã có mặt ở thị trường Bắc Mỹ xuất hiện tại nội địa nữa.

Bước sang thời kỳ của PlayStation lĩnh vực mod console lại có bước chuyển mình lớn. Giờ đây thay vì nút công tắc lỗ liễu người ta có thể gắn chip tùy chỉnh lên console để điều chỉnh cả khóa khu vực lẫn chế độ bảo mật, cho phép chơi game sao chép lậu mà không lo bị phát hiện. Tóm lại, game trên đĩa CD cộng với chip mod kết hợp với các phần mềm ghi đĩa miễn phí đã khiến việc sao chép game lậu trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, đó cũng là mô hình chung của việc kinh doanh game lậu trong một thời gian dài từ cuối những năm 90 cho đến tận ngày nay.

Khả năng thành công khác nhau của loại hình sao chép này còn phải tuy thuộc vào hệ thống pháp lý của từng quốc gia. Ở nhiều nơi, những người có uy quyền và tiếng nói đã vận động bộ máy pháp luật để chính thức tuyên bố chip mod là bất hợp pháp. Chẳng hạn, ở châu Âu, Mỹ và Úc, việc mod chip để gỡ bỏ chế độ bảo mật là vi phạm pháp luật, tuy nhiên ở Úc, hành vi mở khóa khóa khu vực lại không bị cấm. Chip mod là một hình thức tinh vi và tương đối hiệu quả, cho đến nay, chúng ta vẫn bắt gặp rất nhiều ở console thế hệ hiện nay mà điển hình nhất chính là Xbox 360.

Chia sẻ file trực tuyến

Khi thời đại của internet bùng nổ vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đã có lúc người ta nghĩ đến nó như một công cụ để lưu trữ và chia sẻ file một cách tiện lợi (điều này cũng gần giống với mục đích chính mà ARPANET ra đời năm 1969: chia sẻ dữ liệu trong một mạng nội bộ). Năm 1999, hệ thống Napster được đưa vào hoạt động, chính thức phổ biến giao thức chia sẻ dữ liệu peer-to-peer (P2P). Giờ đây, đĩa quang không còn giữ vai trò quan trọng như trước nữa. Các file game có thể tìm thấy dễ dàng và được chia sẻ trực tiếp hết từ trang mạng này đến trang mạng khác, ở bất cứ nơi nào miễn là có internet. Đây là một hình thức tuy tuổi đời xuất hiện chưa lâu nhưng lại được sử dụng phổ biến nhất bởi tính đơn giản, tiện lợi của nó.

Cho dù sử dụng bất kì hình thức nào như hệ thống chia sẻ file, torrent hay download trực tiếp thì game lậu vẫn hiển hiện ở khắp mọi nơi. Với game thủ sử dụng PC và console đã được mod lại thì đây chẳng khác gì mỏ vàng vì đó là cơ hội để họ tiếp cận được game với mức giá gần như cho và nhanh chóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi đội ngũ crack game luôn sẵn sàng hoạt động hết sức để có thể đem được game hoàn chỉnh đến tay game thủ mà không đòi hỏi lấy một đồng lợi nhuận.

Cũng như ở thời kỳ trước, cuộc chiến giữa nhà sản xuất và đội ngũ sao chép lậu chưa bao giờ hết căng thẳng cả. Giờ đây để đối phó với nạn chia sẻ file trên internet, công cụ đắc lực nhất của các nhà phát triển là DRM (Digital Rights Management - Quản lý bản quyền số). Có rất nhiều phương pháp đã được đưa ra, tuy nhiên vì nhược điểm lớn nhất của DRM là hạn chế những gì người dùng có thể làm với nội dung này cho dù họ là chủ sở hữu nên không phải ai cũng hài lòng với biện pháp này.

Ubisoft là một trong những hãng game đầu tiên áp dụng DRM lên các phiên bản game trên hệ máy PC của mình, nhằm chống nạn sao chép đĩa lậu và crack, phương pháp họ sử dụng là buộc game thủ phải online mới có thể chơi được game, điều này đồng nghĩa với việc nếu các máy chủ gặp sự cố hoặc đứt mạng thì nghỉ chơi luôn, bên cạnh đó là những lỗi liên tục xảy ra khiến những người sử dụng vô cùng bức xúc và tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Và cách đây khá lâu khi server của Ubisoft bị tấn công, dẫn đến tất cả những game hỗ trợ DRM đều không thể chơi trong thời gian đó. Hãng đã phải gửi thư xin lỗi kèm một phiên bản game làm quà tặng đến các game thủ, và từ đó DRM bắt đầu vấp phải sự phản đối dữ dội. Cho đến năm 2012, giám đốc mảng game trực tuyến của Ubisoft, ông Stephanie Perlotti đã chính thức tuyên bố quyết định loại bỏ công nghệ DRM ra khỏi các tựa game của hãng. Rõ ràng là, để có thể thỏa mãn nhu cầu, cracker có thể tìm đủ mọi cách để vượt qua mọi rào cản dù rào cản ấy có vững chắc đến đâu. 

Bạn thích:
     

Thảo luận