Bên cạnh chất lượng bên trong, bao bì của sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng không kém để thu hút người mua vì nó là thứ đầu tiên mà họ nhìn vào trước khi móc hầu bao. Video game cũng vậy, tuy không mang tính chất quyết định bằng mì ăn liền nhưng dù sao một tấm box art đẹp vẫn gây được ấn tượng tốt đối với người mua hơn, đồng thời cũng thể hiện sự đầu tư chăm chút của nhà sản xuất đối với sản phẩm.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ hãng nào "lắm tiền nhiều của" thì sẽ chẳng bao giờ lo chuyện bìa đĩa xấu, và để chứng minh cho luận điểm đó hãy cùng đến với một số tấm box art tệ nhất của năm 2012.
Resident Evil 6
Ứng cử viên đầu tiên là Resident Evil 6 đến từ ông lớn Capcom, một hãng mà hầu như ai chơi game cũng biết. Ngoài việc truyền tải số hiệu của trò chơi, tấm bìa đĩa này còn có chứa một lời nguyền, rằng bất cứ ai khi đã nhìn ra được "nó" sẽ không thể nào gạt bỏ được hình ảnh ấy ra khỏi đầu, vĩnh viễn không thể. Là gì mà ghê gớm như vậy? À, hãy nhìn vào logo hình số 6, xin gợi ý rằng hãy tưởng tượng phần bên trái là một chú hươu cao cổ, thân hơi cúi xuống... Vẫn không nhìn ra? Vậy bạn có thể tự hào mình đủ trong sáng để không bị ảnh hưởng bởi lời nguyền, xin chúc mừng.
Batman Arkham City: Game of the Year Edition
Ok, "Batman: Arkham City: Game of the Year Edition". Rocksteady đã hoàn toàn thành công trong việc truyền tải thông điệp: "game của chúng tôi hay nhất năm đấy". Nhưng thành công đó cũng có một phần không nhỏ nhờ vào sự nổi tiếng của người hùng thành phố Gotham, vì vậy đáng ra Rocksteady nên ưu ái Batman hơn là bắt anh ta phải chen lấn giữa những dòng chữ để lên hình đến nỗi phụt cả máu ra thế kia.
The Hip Hop Dance Experience
Thêm một ông lớn nữa mắc sai lầm và biến bìa đĩa của mình thành trò cười. "Một tựa game về đề tài hip-hop? Hãy nhồi nhét tất cả tên những ca sĩ nổi tiếng theo loại nhạc này và chúng sẽ thu hút game thủ" - có lẽ đó là suy nghĩ của bộ phận marketing làm việc cho Ubisoft khi thiết kế tấm box art này. Bố cục hài hòa? Không. Phong cách? Không. Bắt mắt? Không, nhưng rối thì có, rất nhiều là khác.
Không rõ ý đồ của EA Sports là thế nào với tấm box art này. Gương mặt của cả hai nhân vật trông đều thật bi thảm, có lẽ người ta chỉ đi đánh golf khi buồn? Mặc dù đã 3 năm sau scandal ngoại tình nhưng có vẻ với Tiger Woods (trên bìa), nó mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Còn Arnold Palmer thì mang trên mặt một cảm xúc vừa "bi", vừa "hài" giống như vừa chạy được đến cửa WC thì bĩnh ra quần vậy.
Phản ứng của đại đa số gamer khi nhìn vào tấm bìa đĩa này chắc chắn sẽ là nghiêng đầu một góc -90 độ để đọc tên game cũng như xem chuyện gì đang xảy ra. Đáng tiếc chỉ có nửa đầu là thực hiện được, còn thật khó để mà tưởng tượng được anh chàng nhân vật chính đang nã đạn vào ai hay cái gì với vẻ mặt không thể vô cảm hơn kia. Cũng thật trùng hợp khi mà chúng ta nhắc đến box art độc đáo này của Inversion khi trào lưu đặt avatar ngoẹo cổ đang rộ lên gần đây.
Nature Threat
"Discover a sinister secret!" hay "khám phá một bí mật xấu xa" là dòng chữ được in trên hộp đĩa của Nature Threat. Thế nhưng trong hàng trăm cách để thể hiện sự ngạc nhiên/bất ngờ, nhà sản xuất đã chọn nét biểu cảm lố bịch nhất để mang lên khuôn mặt cô gái. Ánh mắt hoang dại, miệng há ra lúc nào mà không biết... trông giống như một con nghiện mua sắm lạc vào chợ giảm giá dịp cuối năm vậy.
Resident Evil: Raccoon City
Cú đúp của cả Capcom lẫn thương hiệu Resident Evil. Bắt Zombie làm con tin? Một ý tưởng thiên tài xứng đáng được trao giải Nobel. Tệ hơn là tên Tyrant ở phía xa kia có vẻ như cũng đang muốn giải cứu đồng loại khỏi gọng kìm của VECTOR. Chắc hẳn khi còn làm người chúng đã từng có quan hệ rất thân thiết.
Micoach
Micoach xứng đáng đoạt giải nhất trong những tấm bìa đĩa tệ hại của năm 2012 mà chẳng cần mất nhiều lời giải thích. Ngoài tông màu xanh lét chẳng có dụng ý gì ngoài việc để tương phản với nền đen phía dưới, hãy nhìn vào vùng được khoanh đỏ. Bài học rút ra là đừng coi thường trí tưởng tượng của các gamer.
Tham khảo: Gamesradar
|