Bất kì một thị trường nào cũng vậy, sẽ có những kẻ lừa đảo muốn tước đoạt công sức hay tiền bạc của bạn bằng cách này hay cách khác. Vấn đề này càng trầm trọng hơn khi bạn tham gia vào một thế giới ảo rộng lớn và không biên giới. DOTA 2 cũng không phải là ngoại lệ: một phút bất cẩn khi trao đổi, bạn có thể mất trắng item hay tiền của mình cho những kẻ lừa đảo, thường được cộng đồng gọi là scammer. Để tránh “key” mất tật mang, bạn hãy đọc bài viết này để cảnh giác với những thủ đoạn của bọn chúng.
Trước tiên ta hãy xem việc trao đổi item DOTA 2 qua hệ thống Steam được tiến hành như thế nào
Sau khi chuột trái vào một cái tên trong friend list và chọn “invite to trade”, hay chấp nhận lời mời trao đổi của một người khác (Steam chỉ cho phép tiến hành trao đổi khi hai bên đã kết bạn với nhau) khung trao đổi sẽ hiện ra.
Hai bên sẽ bỏ item của mình vào khung tương ứng và tích vào Ready. Để tiến hành việc trao đổi, bạn phải nhấn vào nút “Make Trade” để xác nhận. Lợi dụng việc trao đổi qua mạng như thế này, các Scammer có thể sẽ sử dụng những thủ đoạn sau đây:
Xóa item khi trao đổi
Cách mà bạn hay gặp nhất, sau khi bạn đã tích vào dấu Ready, tên lừa đảo sẽ nhanh chóng bỏ item của hắn ra. Tất nhiên khung trade sẽ thông báo lại sự thay đổi này, nhưng nếu bạn không cẩn thận kiểm tra lại mà vẫn tiếp tục nhấn vào Make Trade, hắn sẽ lấy không item của bạn, sau đó xóa bạn khỏi friend list và “bye bye”.
Đổi tên của item
Một thủ đoạn tinh vi và đầu tư hơn, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng hai item là Name Tag hay Description Tag để đổi tên hay cả mô tả của item, biến một item thường không có giá trị gì thành một item xịn được nhiều người tìm mua. Cách này thường được áp dụng cho những item rất cao giá như Kantusa, Bow of the howling wind, Timebreaker…. Vậy nên khi bạn mua/trao đổi lấy một item nào đó, hãy google search để biết chắc hình dáng của nó như thế nào nhé.
Hàng nhái nhãn mác.
Lừa đảo khi trao đổi trứng của event Halloween
Nếu một ai đó bảo là họ trứng Greevil với các unusual essences, và đưa cho bạn một “hình chụp” để làm bằng chứng. Rất có khả năng, bạn sẽ nhận được một quả trứng bình thường sau khi trao đổi. Vì vậy, đừng bao giờ mua trứng với các unusual essences vì bạn không có cách nào biết được trong đó có cái gì đâu.
Event Halloween đã qua khá lâu, và thủ đoạn này cũng ít được sử dụng hơn, nhưng đây là kinh nghiệm cho bạn khi trao đổi tặng phẩm của các event khác. Hãy chắc chắn về thứ mà bạn sẽ nhận được khi trao đổi.
Lấy tiền khi thanh toán trực tuyến
Trong trường hợp bạn mua hay bán item bằng tiền mặt qua một trang web thanh toán trực tuyến như Paypal chẳng hạn hãy đặc biệt cẩn thận. Vì bạn có thể mất tiền mà chẳng nhận được item, hay ngược lại.
Nếu bạn là người mua, hãy mua đồ ở một người bán mà bạn tin tưởng, hoặc bạn có thể nhờ một người có uy tín trong cộng đồng DOTA 2 Việt Nam để làm người trung gian (middleman). Ngoài ra trang Steamrep.com cũng cung cấp một danh sách những middleman uy tín mà bạn có thể sẽ cần đến (hoàn toàn miễn phí). Hơn nữa, bạn phải chắc chắn người trung gian mà bạn đang giao dịch không phải là một tên đồng bọn mạo danh. Hãy kiểm tra lại account Steam của người đó: tên (phải chính xác đến từng kí tự), profile và cả các items trong thùng đồ của người này.
Profile của một player.
Còn nếu bạn là người bán mà không qua trung gian, hãy đảm bảo là đã nhận được tiền trong tài khoản trước khi gửi item cho người mua. Dù sao thì, việc mua bán trực tuyến vẫn luôn tồn tại những rủi ro, vậy nên hãy luôn cẩn trọng và đừng vội vàng, hấp tấp.
Trên đây là những thủ đoạn mà bạn dễ gặp phải được ghi lại bởi những người đã từng là nạn nhân. Ngay cả những người đã có nhiều kinh nghiệm trên thị trường, cũng có thể bị lừa vì một thủ đoạn mới nào đó. Vì thế, hãy chắc chắn kiểm tra lại mọi thứ trước khi bạn nhấn vào “Make Trade” nhé. Nếu lỡ bạn bị lừa bởi một thủ đoạn mới nào đó, hãy nhanh chóng phản ánh lại cho cộng đồng để những người khác có thể phòng tránh. Còn một điều nữa, đừng bao giờ nghĩ đến việc sử dụng những trò này để lừa đảo người mới chơi, bởi vì không ai làm gì mà không phải nhận lấy hậu quả.
|