Vì sao càng lớn chúng ta càng ít mặn mà với game?

Phải chăng game ngày nay đã kém hấp dẫn?
Nếu đã là một tín đồ của trò chơi điện tử, chắc chắn bạn đã có một khoảng thời gian dài gắn liền với game, trải qua những giây phút thư giãn hoặc căng thẳng hồi hộp, vui có, buồn cũng có mà chúng mang lại, và chơi game từ một thú vui giải trí đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Khi còn nhỏ, chỉ cần vài ngày không được động tới game thôi là cảm giác thèm thuồng đã bắt đầu xuất hiện, nhưng dường như càng lớn lên, người viết cảm thấy sự hào hứng mỗi lần chơi game cũng giảm dần. Không còn những lúc vội vàng ăn uống tắm rửa chỉ để chơi được nhiều hơn nữa, thay vào đó là cảm giác "chơi cũng được mà không chơi cũng chẳng sao". Rõ ràng không phải lỗi ở game bởi những trò chơi chất lượng vẫn ra mắt đều đều hàng năm, tầm cỡ cũng không thua kém gì các đàn anh đi trước. Sau một hồi ngẫm nghĩ, tôi băn khoăn rằng, liệu nguyên nhân có phải nằm ở một trong số những lý do sau đây?
 
Thay đổi về nhận thức
 
Cũng giống như ngoại hình, khi con người lớn lên, cách suy nghĩ cũng như nhìn nhận một sự vật hay vấn đề sẽ thay đổi, và tốc độ của quá trình này rất chậm khiến chúng ta không thể nhận ra. Một đứa trẻ luôn thích thú khi nhìn một món đồ chơi mới, mặc dù có thể nó chẳng khác gì so với thứ đã có ở nhà. Đối với game cũng vậy, chỉ cần có đồ họa bắt mắt, những cảnh cháy nổ tưng bừng hoặc một yếu tố kích thích sự tò mò là chúng có thể lao vào chơi một cách say mê mà không cảm thấy chán.
 
vi-sao-cang-lon-chung-ta-cang-it-man-ma-voi-game
Trẻ con có thể chơi liên tục những trò chơi đơn giản mà không hề cảm thấy chán.
 
Bước vào giai đoạn "có tuổi", bạn sẽ không cảm thấy như vậy nữa. Càng lớn lên chúng ta càng có xu hướng đánh giá game (hay bất cứ điều gì khác) theo nhiều mặt và kĩ càng hơn. Những hình ảnh hào nhoáng, mới lạ không còn có sức hút mạnh mẽ như trước, việc điều khiển nhân vật chạy loanh quanh bắn giết kẻ thù cũng không thể giữ chân chúng ta lâu dài nếu như không dựa trên một cốt truyện hấp dẫn hay nền tảng gameplay độc đáo. 
 
Chưa kể đến việc sau khi đã chơi qua rất nhiều game thuộc nhiều thể loại khác nhau, bạn cũng đã biết được hết những cái hay và tinh túy nhất của chúng, khiến cho việc trải nghiệm một tựa game mới cũng không còn là điều gì quá lạ lẫm hay mới mẻ. Nó sẽ khiến cho cảm giác "thèm" chơi giảm dần theo thời gian, kéo theo là sự hào hứng trong mỗi lần chơi cũng không còn như trước.
 
Hạn hẹp về thời gian
 
Ở độ tuổi trên ghế nhà trường, quãng thời gian nghỉ hè hay nghỉ Tết luôn là thời điểm lý tưởng để bạn có thể chiến đấu thoải mái với game mà không lo vướng bận vào bất cứ việc gì. Ngay cả trong năm học thì ngoài việc hoàn thành bài tập về nhà và chuẩn bị trước các kì kiểm tra thì bạn cũng có thể dành tương đối thời gian để chơi. Nhưng một khi đã bắt đầu đi làm hay đang ở những năm cuối của bậc đại học, bạn sẽ thấy khối lượng công việc trong một ngày lớn hơn rất nhiều so với trước, nếu như ban ngày đã phải có mặt ở cơ quan hay giảng đường thì đến tối về bạn sẽ phải tiếp tục với các bài tập lớn, dự án hay chuẩn bị cho công việc của ngày mai. Gần như chỉ có 2 ngày nghỉ cuối tuần có thể coi là lúc rảnh rỗi để dành thời gian cho việc khác.
 
vi-sao-cang-lon-chung-ta-cang-it-man-ma-voi-game
Nhiều khi hoàn thành xong công việc, bạn muốn đi ngủ hơn là chơi game.
 
Và với vốn thời gian ít ỏi như vậy, việc chơi game đương nhiên sẽ không còn được thường xuyên như trước nữa và cũng vì thế mà mất đi sự hấp dẫn. Tưởng tượng cứ cách vài ngày hay thậm chí là cả tuần bạn mới giở game ra chơi một lần, mỗi lần khoảng 1 2 tiếng thì liệu hứng thú đối với nó có còn để mà tiếp tục hay không. Nếu có thì bạn nhiều khả năng cũng phải chọn cách chơi "mì ăn liền", tập trung đi từ đầu đến cuối cho xong hơn là lang thang khám phá mọi ngõ ngách, và điều này đương nhiên sẽ làm mất đi sức hút của trò chơi. Chính vì vậy mà những người đã đi làm thường có tâm lý "ngại" mỗi khi có game nào đó mới ra bởi có cài vào cũng chưa chắc đủ thời gian để mà chơi.
 
Áp lực từ những lo toan cuộc sống
 
Bất cứ một hình thức giải trí nào cũng vậy chứ không riêng gì game, sẽ khó mà thưởng thức chúng một cách toàn vẹn khi tâm lý của người thưởng thức không được thoải mái. Khi còn ở giai đoạn "ăn ngủ chơi", mỗi khi chơi game chúng ta đều tập trung hết vào nó và gần như không quan tâm đến điều gì khác, nhưng điều đó dường như là không thể ở độ tuổi trưởng thành khi có nhiều nỗi lo luôn thường trực trong đầu bạn ở mọi lúc mọi nơi.
 
Khi lớn lên chúng ta sẽ dần phải tự chăm sóc cho bản thân chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh như trước. Bước vào đại học bạn sẽ bắt đầu phải quan tâm đến chỗ ăn ở, kiếm tiền, chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày, định hình công việc trong tương lai, hoàn thành các môn học để có thể tốt nghiệp... Những người đã lập gia đình thì còn bận rộn hơn khi phải lo cho cả người khác nữa. Khi đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời, sẽ khó có lúc nào mà đầu óc chúng ta được thanh thản thật sự, có chăng chỉ là trong lúc... ngủ.
 
vi-sao-cang-lon-chung-ta-cang-it-man-ma-voi-game
Tâm lý không thoải mái dẫn đến khó mà chơi game hết mình.
 
Game là một hoạt động tiêu tốn khá nhiều thời gian cũng như đòi hỏi sự tập trung nơi người chơi. Trong khi mắt vẫn nhìn và tay đang điều khiển, tâm hồn của bạn lại đang dành cho một suy nghĩ nào khác, như xem còn bao nhiêu ngày đến cuối tháng để khỏi phải ăn mì tôm chẳng hạn. Bạn có thể rảnh rỗi và chơi game vào lúc này, nhưng vẫn còn đó một công việc phải hoàn thành đúng hạn, một bài kiểm tra quan trọng đang đến gần hay đơn giản chỉ là đồ vật nào đó trong nhà cần được sửa chữa... khi những nỗi lo này ập đến, hứng thú với game cũng nhanh chóng chìm nghỉm, hay thậm chí là làm chùn bước bạn ngay cả khi bắt đầu có ý định chơi. Chính vì vậy mà khi đã lớn chúng ta thường có xu hướng giải trí bằng cách nghe nhạc, xem phim hay ra ngoài tán chuyện cùng bạn bè để giải tỏa stress hơn là vùi đầu vào trò chơi điện tử.
 
Sự xuất hiện của nhiều thú vui khác
 
Nếu như trước kia, sau thời gian đi học về nếu có ý định ra ngoài chơi vào buổi tối, chắc chắn bạn đã từng bị "tra khảo" bởi những câu đại loại như: đi đâu? với ai? mấy giờ về?... nói chung là phải chịu sự quản lý khá nghiêm ngặt của phụ huynh. Nhưng khi đã lớn một chút thì bạn sẽ có nhiều tự do hơn và tiến dần đến mức "tự quản" khi bắt đầu đi làm. Bạn sẽ không còn bị phàn nàn khi đi chơi nhiều hay về muộn nữa (tất nhiên vẫn trong một chừng mực nhất định).
 
vi-sao-cang-lon-chung-ta-cang-it-man-ma-voi-game
Ra ngoài chơi cũng là một cách giải tỏa tâm lý tốt.
 
Đi chơi với bạn gái, tụ tập ăn uống nhậu nhẹt cùng bạn bè, xem bóng đá ở quán cafe, đến rạp phim... là một số những hoạt động phổ biến có thể kể đến. Rõ ràng sau một ngày làm việc mệt mỏi, việc gặp gỡ và trò chuyện cũng những người khác sẽ có tác dụng giải tỏa tốt hơn là ngồi chơi game một mình ở nhà. Lâu dần, sự quan tâm của bạn đối với game cũng như mức độ ưu tiên dành cho nó cũng không còn được như trước nữa. Khi đó việc chơi game đối với bạn sẽ giống như giết thời gian hơn là để thỏa mãn đam mê của mình.
 
Liệu bạn đã bao giờ gặp phải tình trạng: ngồi nhìn màn hình desktop mà không biết chơi game gì? Nếu có thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn đã bắt đầu "hết tuổi" chơi game. Có lẽ đây cũng là một điều tất yếu khó tránh khỏi khi chúng ta bước sang giai đoạn trưởng thành.

Nguồn: GameK
Bạn thích:
     

Thảo luận